“Không gian đi bộ là sức sống đời sống đô thị. Mỗi tuyến phố đều có bản sắc. Dù làm theo mô hình nào thì cũng phải đảm bảo tiêu chí an toàn - thân thiện - hấp dẫn, tạo nên cảm xúc cho tất cả mọi người khi tới đó” - KTS Trần Huy Ánh bày tỏ.
Từ nhiều năm nay, Hà Nội đang dẫn đầu cả nước trong xu thế xây dựng các tuyến phố đi bộ thành không gian văn hóa sáng tạo với nhiều hoạt động vui chơi, giải trí hấp dẫn dành cho người dân và du khách.
Theo KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư tp Hà Nội, việc xây dựng hình thành các tuyến phố, không gian đi bộ đã hiện thực hóa một giải pháp sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng sống cho cư dân đô thị. “Nó không chỉ là một không gian giao thông kết nối mà còn làm tăng cường giao tiếp giữa con người với con người, con người với thiên nhiên. Hà Nội vốn được xây dựng rất thân thiện với việc đi bộ theo hướng đô thị hiện đại. Nhưng 20 năm trở lại đây, do chúng ta quá phụ thuộc vào các phương tiện cơ giới khác nên dẫn đến tình trạng thiếu không gian đi bộ. Do vậy, việc tăng cường, mở rộng không gian đi bộ cũng đồng nghĩa với việc lấy lại sức sống cho thành phố” – KTS Trần Huy Ánh nhấn mạnh.
KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội trao đổi tại phòng thu VOV2
Với lợi thế là trung tâm giao lưu văn hóa và mua sắm, khu vực xung quanh Hồ Hoàn Kiếm được quy hoạch là không gian đi bộ đầu tiên của HN. Theo thống kê chưa đầy đủ, trung bình mỗi ngày khu phố này đón khoảng 20.000 khách du lịch. Mỗi năm, hàng trăm sự kiện văn hóa quy mô lớn, với sự tham gia của các tỉnh, thành phố trong nước, các tổ chức quốc tế đã được tổ chức tại đây khiến cho không gian này thêm nhộn nhịp. Thời gian qua, UBND quận Hoàn Kiếm đã rất nỗ lực để đạt được những kết quả đáng khích lệ này. Và cũng chính bởi chứa đựng những ý nghĩa văn hóa, lịch sử cùng sự hấp dẫn riêng có, không gian đi bộ quanh Hồ Hoàn Kiếm trở thành "Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới”.
Tuy thành công là thế, nhưng với hơn 600 cơ sở kinh doanh hoạt động dịch vụ du lịch, cộng thêm hàng trăm sự kiện được tổ chức mỗi năm xung quanh bờ Hồ Hoàn Kiếm cùng rất nhiều hàng rong tạo nên sự nhộn nhịp nhưng cũng kéo theo sự xô bồ. Tại một số sự kiện, các gian hàng giới thiệu sản phẩm thiết kế thiếu tính thẩm mỹ, che khuất mặt hồ... ảnh hưởng đến cảnh quan, không gian của hồ Hoàn Kiếm - di tích Quốc gia đặc biệt.
Làm thế nào để các tuyến phố đi bộ không chỉ là điểm hẹn đi bộ, là nơi tụ tập, vui chơi giải trí cuối tuần mà còn là không gian sáng tạo cộng đồng, không gian văn hóa theo đúng nghĩa? – Đó là bài toán không dễ tìm ra đáp án. Sẽ có rất nhiều việc phải làm mà theo KTS Trần Huy Ánh thì việc đầu tiên và quan trọng nhất là nâng cao chất lượng cuộc sống cho chính người dân tại cộng đồng bản địa.
“Phát triển du lịch là điều tốt, tuy nhiên đừng quá chú trọng vào mục tiêu này. Bởi khi mà cuộc sống của chính cộng đồng dân cư khu vực đó hạnh phúc, có bản sắc riêng, người dân tự hào về những nét văn hóa riêng có của mình thì tự nhiên nó như là hương thơm, sẽ thu hút khách du lịch đến. Chứ nếu chúng ta chú trọng quá mục tiêu thương mại thì chưa chắc đã thành công. Tất nhiên việc mua sắm, ăn uống là cần thiết để phục vụ du lịch. Nhưng theo các chuyên gia, cần quy hoạch tách biệt khu vực thưởng lãm văn hóa với khu thương mại và ăn uống. “Đối với khu vực Hồ Gươm nhất thiết phải để không gian quanh hồ thật thông thoáng, dành toàn bộ cho hoạt động văn hóa” – KTS Trần Huy Ánh bày tỏ quan điểm.
Không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm là điểm đến yêu thích của du khách trong nước và quốc tế. Ảnh: Internet
Ở Hà Nội, mỗi không gian, tuyến phố đi bộ đều có cảnh quan, nét đặc trưng văn hóa riêng. Nhưng do chúng ta "copy" các mô hình rồi tổ chức chợ búa, nên làm xóa nhòa bản sắc của từng khu vực và nguy cơ thất bại rất cao. Vì vậy, theo ông Trần Huy Ánh, cần phải nhận diện tổng thể về mặt văn hóa lịch sử. “Và dù làm theo mô hình nào thì tuyến phố đi bộ cũng phải đảm bảo tiêu chí an toàn - thân thiện - hấp dẫn, tạo nên cảm xúc cho tất cả mọi người khi tới đó” – vị kiến trúc sư chia sẻ.
Để phát huy tiềm năng du lịch của thủ đô Hà Nội, điều quan trọng không phải là tăng nhanh số lượng phố đi bộ, mà yếu tố cốt lõi là chất lượng kết nối không gian và tạo ra giá trị của các tuyến phố đó. Mỗi tuyến phố đi bộ phải tạo được những giá trị đặc sắc riêng. Để làm được điều này, KTS Trần Huy Ánh cho rằng, mỗi địa phương cần phải nhận diện một cách đầy đủ chứ đừng "copy" mô hình của phố này rồi nhân rộng ra phố khác. Phố đi bộ cũng là cơ hội, là đột phá trong phương pháp quản trị. Ngoài khai thác cảnh quan thiên nhiên sẵn có thì cũng cần phải nâng cao chất lượng quản trị đô thị, thậm chí là phải kiểm soát chất lượng các dịch vụ.
Thực tế chúng ta thấy, không thể phủ nhận ý nghĩa, vai trò của các tuyến phố đi bộ trong đời sống văn hóa, du lịch. Để không gian đi bộ thực sự là những không gian văn hóa, sáng tạo, phát huy tiềm năng du lịch của thủ đô Hà Nội, điều chúng ta cần làm là trước khi đưa vào vận hành, khai thác cần nhận diện và tôn tạo được những giá trị đặc sắc riêng của mỗi tuyến phố. Có như vậy phố đi bộ mới thực sự là một giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống cho chính người dân bản địa, từ đó sẽ có sức lan tỏa những giá trị văn hóa riêng có, góp phần phát triển du lịch.
Theo Thu Hà/VOV2 - 10/01/2024
https://vov.vn/van-hoa/de-pho-di-bo-ha-noi-thuc-su-la-khong-gian-van-hoa-post1070692.vov