Cập nhật: 25/01/2024 07:45:00
Xem cỡ chữ

Thống kê tính đến 19h50 ngày 24/1, rét đậm, rét hại đã làm 38 con gia súc bị chết ở các tỉnh Cao Bằng, Điện Biên, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang và Lào Cai.

Người dân xã Toả Tình, huyện Tuần Giáo (Điện Biên) che chắn, đắp thêm chăn, đốt lửa giữ ấm cho đàn gia súc. (Ảnh: Phan Quân/TTXVN)

Người dân xã Toả Tình, huyện Tuần Giáo (Điện Biên) che chắn, đắp thêm chăn, đốt lửa giữ ấm cho đàn gia súc. (Ảnh: Phan Quân/TTXVN)

Theo báo cáo nhanh từ các tỉnh Cao Bằng, Điện Biên, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai, đến 19h50 ngày 24/1, đợt rét đậm, rét hại này đã làm 38 con gia súc bị chết; trong đó, Cao Bằng là tỉnh bị thiệt hại nhiều nhất với 27 con (23 con trâu, 4 con bò); tiếp đến là Bắc Kạn 10 con (1 con trâu, 7 con nghé, 2 con dê); Điện Biên 1 con nghé.

Để chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống đói, rét và dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại cho đàn vật nuôi, ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để đàn vật nuôi sinh trưởng phát triển, tăng sức đề kháng nhằm chống rét.

Lực lượng thú y cơ sở vận động người dân thu gom các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn dự trữ cho đàn vật nuôi như rơm rạ, thân cây ngô, ngọn lá mía, dây khoai lang.

Ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng, cho biết ngay từ đầu tháng Một, tỉnh đã có công văn chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các địa phương trong tỉnh chủ động công tác phòng chống rét cho gia súc, vật nuôi; thành lập đoàn công tác đến các địa bàn trọng điểm để kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi, thủy sản.

Đặc biệt yêu cầu ngành nông nghiệp tỉnh cử cán bộ chuyên môn bám sát địa bàn, phản ứng nhanh, xử lý kịp thời khi vật nuôi, động vật thủy sản, cây trồng bị thiệt hại do rét đậm, rét hại và dịch bệnh gây ra.

Đại diện Cục Chăn nuôi cho biết những năm gần đây, công tác phòng chống rét cho vật nuôi đã được các địa phương tích cực triển khai thông qua việc dành nguồn ngân sách nhất định phục vụ cho công tác phòng chống rét cho gia súc; trong đó, có việc hỗ trợ làm chuồng trại, cây rơm dự trữ làm thức ăn cho gia súc trong mùa rét.

Đồng thời, các địa phương còn chủ động hướng dẫn người dân cách chế biến, dự trữ thức ăn, che chắn chuồng trại cho trâu, bò... Hơn nữa, nhận thức của người dân trong việc phòng chống đói, rét cho gia súc đã được nâng cao.

Trước đó, Cục Chăn Nuôi đưa ra khuyến cáo và hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cấp bách phòng, chống rét đậm, rét hại cho vật nuôi.

Đồng thời lưu ý các địa phương trong những ngày rét đậm, rét hại có thể may áo cho trâu, bò bằng các loại chăn, áo cũ; bao tải gai hoặc các vật liệu khác.

Diện tích may có thể che chắn tối đa cho phần lưng, vai, ngực và bụng cho trâu bò, đặc biệt là bê, nghé dưới 12 tháng tuổi./.

Theo (TTXVN/Vietnam+) – 24/1/2024

https://www.vietnamplus.vn/hang-chuc-con-gia-suc-bi-chet-trong-dot-ret-dam-ret-hai-o-nhieu-dia-phuong-post922932.vnp