Cập nhật: 26/01/2024 21:45:00
Xem cỡ chữ

Với tinh thần không có vùng cấm, không có trường hợp ngoại lệ, năm 2023, các địa phương trên địa bàn huyện Lập Thạch đã vào cuộc quyết liệt, xử ý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai theo đúng tinh thần Chỉ thị 32 của Tỉnh ủy và kế hoạch 54 của UBND tỉnh. Đặc biệt, đối với các trường hợp vi phạm mới huyện Lập Thạch chỉ đạo cấp ủy, chính quyền xử lý nghiêm, đảm bảo thượng tôn pháp luật và theo đúng cam kết với Tỉnh ủy. Đây cũng chính là tiền đề đề năm 2024 này, huyện Lập Thạch sẽ hoàn thành kế hoạch xử lý vi phạm đất đai trên đia bàn theo đúng tinh thần chỉ đạo của tỉnh.

Ngay sau khi phát hiện 1 hộ gia đình có hành vi xây kè, cải tạo, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chính quyền xã Xuân Hòa, huyện Lập Thạch đã nhanh chóng báo cáo Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND Huyện Lập Thạch ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu chủ hộ trả lại tình trạng đất như ban đầu.

Theo báo cáo của UBND Huyện Lập Thạch, việc phát hiện các hành vi vi phạm về đất đai trên địa bàn phần lớn là nhờ có sự giám sát của Nhân dân và tinh thần trách nhiệm của cấp ủy khu dân cư. Ban đầu cải tạo đất để trồng cây, sau đó xây tường bao nhằm che dấu hành vi xây dựng bên trong phần đất được giao trồng cây lâu năm. Tuy nhiên sự việc được phát hiện, nhanh chóng báo cáo lên cơ quan chức năng và chính quyền xã Liên Sơn đã nghiêm khắc yêu cầu chủ hộ tự tháo dỡ các công trình vi phạm.

Theo kế hoạch, năm 2023, huyện Lập Thạch phải xử lý 330 trường hợp vi phạm đất đai, không để phát sinh trường hợp vi phạm mới không được xử lý. Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền các địa phương trên địa bàn huyện, cho đến thời điểm này, huyện Lập Thạch cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo đúng cam kết, kế hoạch đặt ra. Việc xử lý vi phạm được thực hiện nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ đã tạo được hiệu ứng tốt trong quá trình thực hiện xử lý vi phạm về đất đai; người dân có ý thức chấp hành các quy định của pháp luật khi được thông báo vi phạm và đặc biệt không nảy sinh các hành vi phạm mới. Sau xử lý vi phạm, chính quyền địa phương đều phải thực hiện kiểm tra, giám sát, báo cáo Ban chỉ đạo của huyện hằng tuần, hằng quý.

Kết quả xử lý vi phạm đất đai năm 2023 là tiền đề quan trọng để huyện Lập Thạch tiếp tục thực hiện có hiệu quả trong năm 2024, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu theo đúng Chỉ thị 32 của Tỉnh ủy, kế hoạch 54 của UBND tỉnh, góp phần ổn định an ninh trật tự trên địa bàn, tập trung phát triển kinh tế- xã hội ngày một khởi sắc.

PHÚC YÊN TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN PHÂN LOẠI RÁC THẢI

Thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2020, Đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, UBND Thành phố Phúc Yên cũng đã ban hành Đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường nhằm thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, xây dựng thành phố Văn Minh, hiện đại; sáng, xanh, sạch, đẹp.

Thành phố đã mời các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường xuống địa bàn dân cư tập huấn, hướng dẫn Nhân dân phân loại rác thải sinh hoạt; cách phân biệt rác hữu cơ, rác vô cơ, rác có thể tái sử dụng nhằm hạn chế thấp nhất lượng rác thải ra môi trường. Thành phố cũng đã thực hiện thí điểm mô hình xử lý rác hữu cơ thành phân bón vi sinh tại phường Trưng Nhị. Các thành viên tham gia mô hình được cấp phát thùng ủ chứa rác thải sinh hoạt và men vi sinh để xử lý rác đảm bảo vệ sinh môi trường và chất bón cho cây trồng hiệu quả.

Để Đề án lan tỏa sâu rộng, thành phố có các buổi tập huấn khác nhau với nhiều đối tượng khác nhau, mục đích tạo thành ý thức trách nhiệm, thói quen của quần chúng Nhân dân trong việc ứng xử văn minh với môi trường. Ngoài hộ gia đình, thành phố đặc biệt chú ý đến nhóm hộ kinh doanh buôn bán, các công ty, tổ chức có lượng rác thải phát sinh hằng ngày lớn. Đặc biệt trong năm 2023, thành phố đã phối kết hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường phát động phong trào hạn chế đồ dùng làm bằng nhựa dùng 1 lần đối với học sinh bậc Tiểu học. Đây là lớp thế hệ tương lai của thành phố và cần nhận thấy tác hại của rác thải nhựa dùng một lớn đối với môi trường, cũng như chi phí tốn kém trong việc dành ngân sách để thu gom, xử lý rác thải nhựa do con người thải ra. Thành phố cũng đã cùng với Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện thí điểm mô hình xử lý rác hữu cơ đầu tiên đối với trường học trên địa bàn tỉnh.

Việc triển khai thực hiện Đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là một trong nhưng giải pháp quan trọng nhằm cụ thể hóa Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó có quy định việc phân loại rác thải tại nguồn chính thức có hiệu lực năm 2024. Hơn nữa đây cũng là mục tiêu xây dựng lớp thế hệ có đầy đủ nhận thức, trách nhiệm ứng xử phù hợp với môi trường, từng bước xây dựng thành phố mạnh về kinh tế, môi trường đảm bảo bền vững, ngày càng văn minh, hiện đại./.

Lỗ Hiếu