Cập nhật: 03/02/2024 09:28:00
Xem cỡ chữ

Tăng cường và thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp là một nội dung quan trọng, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Trong giai đoạn cách mạng mới, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp càng cần phải nêu gương, đi đầu thực hiện các nhiệm vụ chính trị, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp.

Ðại hội XIII của Ðảng đã khẳng định: Thực hiện nghiêm các quy định của Ðảng về trách nhiệm nêu gương, chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. Ðảng viên tự giác nêu gương để khẳng định vị trí lãnh đạo, vai trò tiên phong, gương mẫu, tạo sự lan tỏa, thúc đẩy các phong trào cách mạng. Nêu gương là trách nhiệm, bổn phận và là đạo lý của người đảng viên của Ðảng trước Nhân dân; Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên là một trong những nội dung quan trọng của công tác xây dựng Đảng. Cùng với Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30/10/2016 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quy định số 05 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lựa chọn, xác định mỗi năm một chủ đề công tác cụ thể để chỉ đạo triển khai thực hiện, phù hợp với nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Nội dung "Nêu gương", đặc biệt là nêu gương về đạo đức và trách nhiệm thực thi công vụ được lựa chọn là một trong những nội dung quan trọng đã tạo chuyển biến tích cực, góp phần đưa việc thực hiện Chỉ thị 05 trở thành việc làm thường xuyên của mỗi cấp ủy Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên. Theo đó, đảng ủy trực thuộc, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã nghiêm túc xây dựng kế hoạch, tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nội dung các chủ đề tới toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động; đảm bảo kịp thời, hiệu quả, bám sát sự chỉ đạo và hướng dẫn của tỉnh.

Tại Sở Y tế Vĩnh Phúc, việc nêu gương trong xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nêu gương về đạo đức và trách nhiệm thực thi công vụ được cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động thực hiện bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả, thực hiện tốt phương châm "nói đi đôi với làm", "hướng về cơ sở", "gần dân, trọng dân, chăm lo đời sống Nhân dân".

Thời gian qua, Đảng ủy Sở Y tế đã phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện đầy đủ các Nghị quyết, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; các Nghị quyết, Chỉ thị của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh. Đồng thời, xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các Kế hoạch chuyên đề về công tác chính trị tư tưởng theo chỉ đạo của cấp ủy cấp trên, trọng tâm như: Kế hoạch chuyên đề “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Kế hoạch thực hiện Kết luận số 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; Kế hoạch tổ chức đợt sinh hoạt chính trị về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị với chủ đề “tự soi, tự sửa” .

Từ những hoạt động này, 100% đảng viên thuộc các Chi bộ trực thuộc, các Đảng bộ bộ phận đã ký Cam kết “thực hiện Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với từng nhiệm vụ cụ thể, nhiệm vụ chuyên môn của ngành và các phong trào thi đua của đơn vị, các chuẩn mực đạo đức công vụ của đảng viên, công chức, người lao động, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của ngành.

Đối với các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Bộ Y tế giao, ngành Y tế đã triển khai với nỗ lực và quyết tâm cao nhất. Ngành đã hoàn thành 3/3 nhiệm vụ Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao, gồm hoàn thiện đề án phát triển Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030; xây dựng kế hoạch cải tạo, nâng cấp, xây mới trạm y tế xã, phường, thị trấn; triển khai bệnh án điện tử tại 3 bệnh viện tuyến tỉnh.

Năm 2023, ngành Y tế hoàn thành và hoàn thành vượt mức một số chỉ tiêu cơ bản được giao đến năm 2025 tại Nghị quyết số 11 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII “Về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển sự nghiệp Y tế tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2035”. Ngành đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 30 của HĐND tỉnh với nhiều kết quả nổi bật; 16 chỉ tiêu được giao theo chương trình công tác của UBND tỉnh năm 2023 cũng cơ bản hoàn thành kế hoạch đề ra.

Với các giải pháp quyết liệt, đồng bộ, chất lượng nhân lực ngành Y tế được nâng lên rõ rệt. Mạng lưới y tế ở cả 3 tuyến tiếp tục được củng cố. Thủ tục hành chính trong lĩnh vực y tế được rút gọn. Công tác chuyển đổi số đạt kết quả quan trọng. Ngành thực hiện thành công gần 1.000 kỹ thuật mới, trong đó, có nhiều kỹ thuật vượt tuyến. Sở Y tế tăng cường quán triệt, yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh không ngừng đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, nâng cao y đức; xây dựng bệnh viện xanh - sạch - đẹp, an toàn, văn minh, hướng tới triển khai các dịch vụ chăm sóc người bệnh toàn diện.

Theo đó, các chi, đảng bộ cơ sở và các đoàn thể trực thuộc đã nghiêm túc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, lựa chọn những nội dung phù hợp với đặc điểm tình hình, nhiệm vụ của từng bộ phận, kịp thời triển khai sâu rộng tại cơ quan, đơn vị mình.

Tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, với chức năng của mình đơn vị đã tham mưu về 4 nhiệm vụ trọng tâm gồm: Tham mưu Sở Y tế trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án phát triển Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch phòng, chống tai nạn, thương tích tại cộng đồng của ngành Y tế tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2023-2025; Kế hoạch chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2023-2025; Kế hoạch triển khai thực hiện chăm sóc sức khỏe sinh sản, tập trung hướng dẫn chẩn đoán, điều trị giang mai lây truyền từ mẹ sang con giai đoạn 2023-2025.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh luôn phát huy vai trò là đơn vị y tế dự phòng tuyến đầu của tỉnh, chủ động, linh hoạt, sáng tạo, bám sát thực tiễn để tham mưu cho UBND tỉnh và Sở Y tế ban hành nhiều giải pháp kịp thời nhằm thực hiện quyết liệt, khẩn trương, nghiêm túc và hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Nhờ phát huy tốt trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của ngành nên một số chỉ tiêu về tỷ lệ tiêm chủng mở rộng trên địa bàn tỉnh Trung tâm đã hoàn thành xuất sắc kế hoạch năm. Tỷ lệ trẻ sơ sinh được tiêm vắc xin VGB trong 24h sau sinh đạt 85,8%; Tỷ lệ trẻ từ 9 tháng tuổi được tiêm bại liệt đạt 84,4%; Tỷ lệ trẻ 18 tháng được tiêm phòng vắc xin Sởi - Rubella đạt 87,4%; Tỷ lệ tiêm phòng vắc xin viêm não nhật bản mũi 3 đạt 89,2%; Tỷ lệ phụ nữ có thai được tiêm vắc xin phòng uốn ván đạt 87,1%.

Đối với công tác phòng chống các bệnh không lây nhiễm, Trung tâm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát nhằm cập nhật thông tin, hỗ trợ các hoạt động tuyến dưới, phát hiện, phòng ngừa các bệnh không lây nhiễm và bệnh do rối loạn chuyển hóa, tầm soát, sàng lọc, quản lý các bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng; Thực hiện tốt công tác khám sàng lọc phát hiện bệnh nhân, tư vấn, quản lý, điều trị đối với các bệnh: đái tháo đường, tăng huyết áp, ung thư, phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản… đảm bảo thực hiện đạt chỉ tiêu các Chương trình theo Kế hoạch.

Công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, dinh dưỡng, sức khỏe người lao động, Y tế trường học đạt hiệu quả chương trình đề ra. Công tác truyền thông - Giáo dục sức khỏe được đẩy mạnh, phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng, các ban ngành đoàn thể tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về y tế, truyền thông cho nhân dân về các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, vệ sinh môi trường, chống các bệnh lây nhiễm nguy hiểm và không lây nhiễm phổ biến trong cộng đồng, đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng, cùng hợp tác nâng cao sức khỏe.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: "Một đảng viên ở địa vị càng cao, thì càng phải giữ đúng kỷ luật của Đảng, càng phải làm gương dân chủ". Người đứng đầu khi thực hiện nêu gương không chỉ là khẩu hiệu, lời nói, mà phải nói đi đôi với làm. Sự gương mẫu trong lời nói và hành động của người đứng đầu có thể được xem là mệnh lệnh không lời, để thuyết phục cấp dưới noi theo.

Như vậy, người đứng đầu một cơ quan, đơn vị vừa phải thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của một cán bộ, công chức bình thường vừa phải thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của một người lãnh đạo, một người quản lý. Hơn thế nữa, bất cứ nhiệm vụ, quyền hạn nào cũng phải đi tiên phong, thực thi với trách nhiệm và hiệu quả nhất. Với ngành y tế, người đứng đầu được xem là "người lái tàu để đưa đoàn tàu tới đích" nên có vai trò định hướng quan trọng, quyết định đến chiều hướng phát triển, kết quả hoạt động của cơ quan, đơn vị.

Lê Dũng