Vào đúng ngày 23 tháng Chạp, nhân lễ tiễn ông Công ông Táo, chúng tôi có may mắn được thăm gia đình cô chú Võ Thị Bình-Nguyễn Văn Hòa, người Thái gốc Việt, đang sinh sống ở tỉnh Pathum Thani, miền Trung Thái Lan. Sinh ra và lớn lên trên xứ sở chùa Vàng nhưng chú Hòa không năm nào quên chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc.
Chú Hòa cho biết dù trong giai đoạn khó khăn hay khi điều kiện cuộc sống ngày càng đủ đầy, gia đình chú luôn duy trì phong tục truyền thống của dân tộc vào mỗi dịp Tết đến Xuân về. Để nhà có không khí Tết, gia đình chú thường chuẩn bị đón Tết từ ngày 23 tháng Chạp vào dịp lễ cúng ông Công ông Táo.
Chú Hòa sửa soạn mâm lễ cúng ông Công ông Táo.
Vợ chồng chú Hòa cùng bạn bè thành tâm dâng lễ tiễn ông Táo về trời.
Chú Hòa nói: “Hôm nay là ngày 23 tháng Chạp, gia đình chúng tôi tổ chức cúng tiễn ông Táo lên Cung đình. Ngày 23 tháng Chạp là một truyền thống từ đời bố mẹ đến ngày này là làm lễ cúng tiễn ông Táo lên trời. Chúng tôi cũng tiếp nối để thế hệ mai sau duy trì. Trước khi cúng ông Táo cũng lo lắng từng ly từng tí, từ món ăn, món quà, giấy tiền vàng theo phong tục dân gian để cúng đàng hoàng, đầy đủ”.
Trong mâm cỗ cúng ông Công ông Táo cũng như mâm cỗ cúng vào hôm tất niên, giao thừa và ngày đầu năm mới luôn có đầy đủ lễ vật theo phong tục cổ truyền như tiền vàng, hoa quả, trà rượu, cá chép cùng bánh chưng, dưa món, gà luộc, thịt kho, mứt tết.v.v. Gia đình chú Hòa cũng không quên chuẩn bị các món xôi vò, nem rán mang đậm hương vị quê hương Lệ Sơn (thuộc tỉnh Quảng Bình) của chú Hòa do cô Bình tự tay làm.
Trang nghiêm trên bàn thờ cúng lễ ở gia đình chú Hòa còn có treo ảnh Bác Hồ. Chú Hòa xúc động chia sẻ: “Nhà tôi đang chuẩn bị đặt bàn thờ của Bác Hồ và bàn thờ gia tiên ở trên tầng cao và đang sắm sửa chuẩn bị bày biện lễ Tết, như truyền thống của người Việt Nam mình. Bên Việt Nam như thế nào thì ở bên này cũng thế vì dân tộc con cháu Lạc Hồng luôn luôn hướng về cội nguồn, tin tưởng vào Đảng vì tin chắc Đảng ta là Đảng vinh quang, luôn luôn mang lại niềm vui cho bà con kiều bào”.
Chú Hòa, cô Bình và cô Lý cùng thả cá chép ở sông Chao Phraya.
Tết đến Xuân về là dịp để những người con gốc Việt sống xa quê cùng gặp gỡ, chia sẻ và duy trì truyền thống Tết cổ truyền của Việt Nam.
Cùng tham dự buổi lễ cúng ông Công ông Táo với gia đình chú Hòa có cô Nguyễn Thị Lý, một kiều bào sinh ra và lớn lên tại Thái Lan. Cô cho biết phần đông các gia đình người Việt ở Thái Lan vẫn duy trì đón Tết truyền thống của dân tộc. Trong những ngày Tết cận kề, không khí chuẩn bị cũng nhộn nhịp, tất bật không kém ở Việt Nam vì ai ai cũng náo nức chuẩn bị đón Tết đến Xuân về.
Cùng chia sẻ những câu chuyện khi năm cũ đang qua, năm mới sắp đến, Cô Lý khẳng định cô tự hào khi mang trong mình dòng máu Việt, mong muốn gửi lời chúc mừng năm mới tới toàn thể người dân Việt Nam: “Chim có tổ người có tông. Chúng tôi là con cháu của dân tộc Việt Nam, không bao giờ quên Tổ quốc Việt Nam. Nhân dịp Tết đến, xin gửi lời chúc đến toàn người Việt Nam có một nền kinh tế vững mạnh. Mọi người đều góp sức để xây dựng đất nước mình cho ngang hàng với các cường quốc trên thế giới. Mọi người vui tươi, đầm ấm, đón mừng một mùa xuân đầy hạnh phúc, an khang thịnh vượng và nhiều may mắn”.
Dù sống xa Tổ quốc, cộng đồng kiều bào tại Thái Lan luôn nỗ lực duy trì phong tục cúng Tết với mong ước giữ được hồn Tết quê dù có ở bất cứ đâu. Tết chính là dịp để gia đình sum họp, nhìn lại năm cũ và cùng chào đón năm mới với những điều tốt đẹp nhất, với niềm tin và hy vọng một năm mới nhiều sức khỏe, an lành, may mắn, và thành công.
Theo PV/VOV-Bangkok - 3/2/2024
https://vov.vn/nguoi-viet/am-cung-khong-khi-don-tet-co-truyen-cua-nguoi-thai-goc-viet-tai-pathum-thani-post1075419.vov