Ngày 2/2, đúng Tết ông Công - ông Táo (23 tháng Chạp Âm lịch), Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức chương trình “Trải nghiệm Tết Việt” cho du khách đến tham gia, tìm hiểu những nét đẹp của Tết cổ truyền.
Chương trình có sự tham gia của các nghệ nhân, học sinh và sinh viên đến từ Bắc Ninh, Hà Nội.
Thời tiết buổi sáng có mưa phùn và sương mù nhưng các hoạt động vẫn diễn ra thuận lợi. Nhiều gia đình tranh thủ đưa các bạn nhỏ đến vui chơi, các bạn học sinh cùng thầy cô và du khách gần xa đến tham gia chương trình cũng khá đông. Các hoạt động được diễn ra liên tục, tất cả đều liên quan đến tìm hiểu về Tết cổ truyền của dân tộc, kiếm tìm giá trị Tết Việt. Các du khách lần đầu tự tay trải nghiệm văn hóa Việt Nam qua các trò chơi dân gian, thực hành nặn đất sét, điêu khắc gỗ, thưởng thức diễn xướng múa rối nước,...
Điểm nổi bật của chương trình là những hoạt động đa dạng, mới mẻ khác với mọi năm được tổ chức, thu hút từ trẻ nhỏ đến người lớn tò mò khám phá. Các nghệ nhân đến từ Hội An trực tiếp hướng dẫn du khách in tranh dân gian, nặn tò he, gói bánh chưng,...
Tại chương trình, du khách có dịp tìm hiểu về nét đẹp của ngày Tết cổ truyền Việt Nam thông qua hoạt động dựng cây nêu, gói bánh chưng, viết thư pháp, in tranh Đông Hồ, múa rối nước… Các em nhỏ được tham gia chơi nhiều trò chơi dân gian như: kéo co, đánh cầu lông gà, đánh mảng, ném pao, tung còn, đẩy gậy… cũng như thỏa trí khám phá 12 con giáp qua việc tô vẽ tranh hay tự tay nặn những con tò he ngộ nghĩnh.
Trải nghiệm gói bánh chưng
Ngoài ra, chương trình năm nay có các hoạt động mới, như: Tô vẽ khám phá di sản Hội An: tìm hiểu di sản qua tô vẽ các bức tranh; Khám phá Tết qua công nghệ: vượt thử thách khám phá Tết cổ truyền; Tương tác vui khám phá ý nghĩa Tết Việt, di sản Hội An; Trò chơi tương tác khám phá mâm ngũ quả tết (VR); Khám phá khoa học qua tri thức dân gian (STEM): trải nghiệm làm đồ chơi và thí nghiệm khoa học gắn với Tết… Đặc biệt, chương trình có sự tham gia của PGS.TS. Trần Trọng Dương với chủ đề “Năm Rồng nói chuyện Rồng”. Đây là hoạt động nhằm hướng đến chương trình Vui xuân Giáp Thìn của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam từ mồng 4 đến mồng 9 Tết.
Cùng với chương trình “Trải nghiệm Tết Việt”, từ mồng 4 đến mồng 7 Tết (13 -16/2/2024), từ 8h30 - 17h30, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức Khai xuân với các hoạt động: Hát múa Ải Lao (mồng 4 Tết), múa rối nước, viết thư pháp, nặn tò he, khám phá văn hóa Mường…
Mồng 8 và 9 Tết (17 và 18/2/2024), từ 8h30 - 21h00 sẽ diễn ra chương trình “Vui Xuân Giáp Thìn: Sắc thái văn hóa Hội An” với nhiều hoạt động hấp dẫn của hơn 40 nghệ nhân đến từ Hội An. Đặc biệt, chương trình “Đêm Hội An: Cùng thắp sáng di sản” hứa hẹn sẽ là trải nghiệm khó quên đối với du khách./.
Theo dangcongsan.vn - 2/2/2024
https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/trai-nghiem-tet-viet-tai-bao-tang-dan-toc-hoc-viet-nam-659000.html