Cập nhật: 06/02/2024 09:05:00
Xem cỡ chữ

Dân tộc Sán Dìu ở Vĩnh Phúc tập trung chủ yếu ở các huyện Bình Xuyên, Tam Đảo, Lập Thạch và thành phố Phúc Yên. Cũng như nhiều dân tộc khác, người dân tộc Sán Dìu có những phong tục tập quán truyền thống riêng đang được bảo tồn và ngày càng phát huy, đặc biệt là dịp Tết cổ truyền dân tộc.

Một trong những đặc sắc văn hóa của người Sán Dìu là bánh chưng gù. Trong mâm cỗ ngày Tết người Sán Dìu dâng cúng tổ tiên không thể thiếu món bánh chưng gù. Và không phải ngẫu nhiên người Sán Dìu ở Quang Sơn lại gói chiếc bánh có hình thù như vậy. Người Sán Dìu quan niệm bánh chưng gù có đẹp, có ngon thì phước lộc, an khang mới đầy nhà năm ấy. Đặc biệt hơn, đó cũng là tín hiệu ông bà, tổ tiên “đón” được những đứa cháu ngoan ngoãn, giỏi giang cho gia đình.

Đối với người Sán Dìu, thầy cúng có một vị trí, vai trò vô cùng quan trọng. Người muốn trở thành thầy cúng phải trải qua thủ tục bắt buộc là nghi lễ Cấp sắc để được thế giới thần linh chấp thuận, đồng thời, đánh dấu bước trưởng thành của họ trong cộng đồng người Sán Dìu. Qua thời gian, Nghi lễ Cấp sắc của người Sán Dìu có vai trò quan trọng đối với đời sống tâm linh của cộng đồng người Sán Dìu, góp phần bảo lưu giá trị nghệ thuật như: Nghệ thuật múa, cắt dán giấy, trang trí đàn lễ, hệ thống tranh thờ dân gian.

Với những nét độc đáo, đặc sắc riêng của dân tộc mình, người Sán Dìu đã phát huy và bảo tồn được văn hóa truyền thống, phong tục tập quán tới đông đảo các thế hệ thanh niên trẻ và mọi người trong, ngoài tỉnh biết đến.

Đặng Thưởng