Cập nhật: 09/02/2024 07:42:00
Xem cỡ chữ

Dịp Tết trẻ được nghỉ học dài ngày, nhiều trẻ cùng bố mẹ về quê đón Tết, tiềm ẩn nguy cơ bị tai nạn thương tích. Cha mẹ cần biết những tai nạn trẻ hay gặp và cách phòng tránh, sơ cứu để gia đình đón Tết an toàn.

Dị vật đường thở

Hóc dị vật đường thở là loại tai nạn rất thường gặp ở trẻ em dưới 2 tuổi do ngày Tết nhiều gia đình hay bày biện các loại hạt để tiếp khách.

Khi trẻ bị hóc, cha mẹ nên đặt bé nằm sấp dọc theo cánh tay người lớn, đầu trẻ thấp hơn ngực, một tay đỡ đầu và vai của trẻ, tay kia vỗ nhẹ vào lưng trẻ đến khi nào bật ra dị vật. Không dùng tay móc dị vật khi trẻ còn quá bé. Nếu biện pháp này không hiệu quả hoặc trẻ bị bất tỉnh, cần phải tiến hành hà hơi thổi ngạt ngay cho trẻ đồng thời đưa trẻ đến bệnh viện cấp cứu.

Với trẻ lớn hơn, cha mẹ có thể yêu cầu trẻ cúi người về phía trước, đầu thấp hơn ngực. Sau đó một tay cha (mẹ) đỡ ngực nạn nhân, tay kia vỗ mạnh 5 lần vào giữa hai xương bả vai của trẻ theo hướng từ dưới lên trên, từ ngoài vào trong. Nếu dị vật vẫn không bật ra hoặc trẻ bị bất tỉnh cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

Tai nạn thương tích hay gặp ở trẻ dịp Tết và cách sơ cứu, phòng tránh- Ảnh 1.

Khi trẻ bị hóc, cha mẹ nên đặt bé nằm sấp dọc theo cánh tay người lớn, đầu trẻ thấp hơn ngực, một tay đỡ đầu và vai của trẻ, tay kia vỗ nhẹ vào lưng trẻ đến khi nào bật ra dị vật.

Ngộ độc

Ngày Tết, trẻ rất dễ bị ngộ độc thực phẩm do thức ăn lạ hoặc ngộ độc xăng dầu, axít khi trẻ về quê do người lớn đựng những thứ này trong những vỏ chai nước ngọt.

Khi bị ngộ độc, trẻ sẽ có một số biểu hiện như: đau bụng, nôn, ỉa chảy, khó thở, đau đầu, chóng mặt hoặc nặng hơn là hôn mê, co giật, xuất huyết. Bình thường, nếu trẻ bị ngộ độc nhẹ, gia đình chỉ cần để nạn nhân nôn ra được càng nhiều càng tốt và cho trẻ uống nước đường, than hoạt. Tuy nhiên, tuyệt đối không gây nôn khi trẻ uống phải axít, kiềm hoặc xăng dầu.

Trong trường hợp trẻ bị nhiễm độc qua da, niêm mạc, cha mẹ chỉ cần làm sạch bằng xà phòng hoặc nước sạch. Tuy nhiên, nếu trẻ bị ngộ độc với những dấu hiệu nguy hiểm như: hôn mê, suy thở, co giật, co cứng toàn thân thì phải đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.

Tai nạn từ vật sắc nhọn

Trẻ dễ bị tai nạn do vật sắc nhọn đâm vào như: dao, kéo, đinh…

Khi trẻ bị tai nạn do vật sắc nhọn cần phải được rửa sạch vết thương bằng oxy già hoặc nước sạch. Tuyệt đối không nên cố gắng lấy những dị vật đã cắm sâu vào vết thương mà sát khuẩn và băng cố định dị vật tại chỗ bằng khăn xô đủ chặt để cầm máu. Nếu vết thương ở ngay mạch máu, thì nên ấn vào đường đi của mạch máu ở phía trên vết thương, đồng thời băng ép đủ chặt để cầm máu. Sau đó phải đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

Trong trường hợp các vật gây thương tích như dao, kéo, đinh… bẩn, có dính bùn đất, phân hoặc gỉ có thể gây uốn ván và các nhiễm trùng nặng khác. Vì vậy, các bậc cha mẹ nên cất riêng đồ sắc nhọn, tránh lối ra vào và để xa tầm tay với của trẻ.

Đuối nước

Với những gia đình ở nông thôn có ao, hồ, cha mẹ đặc biệt lưu ý theo sát trẻ khi đưa con về quê ăn Tết với ông bà vì chỉ một chút xảy chân cũng khiến trẻ gặp nạn.

Trong trường hợp trẻ bị đuối nước, việc sơ cứu trẻ đúng kỹ thuật cực kỳ quan trọng, quyết định sự sống còn của nạn nhân.

Vài phút đầu là thời gian vàng để cấp cứu trẻ đuối nước vì nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ đuối nước là tổn thương não do thiếu oxy. Do đó, khi thấy một trẻ bị đuối nước không tỉnh, không thở, ngừng tim thì cần phải hồi sức tim phổi (thổi ngạt, ép tim) ngay để giúp duy trì máu lên não. Đây là thời điểm vàng để cứu sống trẻ. Thời gian chịu đựng thiếu oxy của não tối đa chỉ khoảng từ 3-5 phút, nếu quá thời gian này sẽ dẫn tới tổn thương não không hồi phục, gây tử vong hoặc di chứng thần kinh. Khi nạn nhân tỉnh lại, lưu ý nên để nạn nhân nằm nghiêng, đầu thấp và ủ ấm cho nạn nhân để đảm bảo thân nhiệt.

Trong trường hợp nạn nhân vẫn còn tỉnh táo, người lớn chỉ cần đặt trẻ nằm ngửa, đầu hơi nghiêng một bên, sau đó kiểm tra và lấy hết dị vật trong miệng và đường thở của trẻ.

Tai nạn thương tích hay gặp ở trẻ dịp Tết và cách sơ cứu, phòng tránh- Ảnh 2.

Với những gia đình ở nông thôn có ao, hồ, cha mẹ đặc biệt lưu ý theo sát trẻ khi đưa con về quê ăn Tết.

Cách phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ dịp Tết

Để phòng tránh tai nạn cho trẻ trong dịp Tết, cha mẹ cần:

- Không cho trẻ chơi gần các ổ cắm điện, bóng điện. Các ổ cắm điện phải dùng dụng cụ che chắn kỹ lưỡng.

- Sử dụng thực phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo chế biến an toàn vệ sinh thực phẩm.

- Để các loại thuốc, hóa chất xa tầm tay của trẻ, không nên đựng hóa chất, xăng, dầu, thuốc trong vỏ chai đựng nước uống nhằm tránh nhầm lẫn.

- Các thuốc điều trị bệnh mạn tính của người trong gia đình như thuốc chống trầm cảm, thuốc tim mạch cần cất giữ cẩn thận, như để trong hộp riêng, có khóa.

- Khi trẻ ăn uống, cha mẹ cần quan sát con. Hướng dẫn con ăn chậm, nhai kỹ, giám sát chặt chẽ khi trẻ ăn các loại hạt…

- Cần có người lớn giám sát chặt chẽ khi trẻ chơi ở các khu vực gần ao, hồ, sông, suối, không cho trẻ chơi dưới lòng đường… và các bề mặt trơn trượt

- Tránh để các đồ vật như thủy tinh, sắc nhọn... gần tầm tay của trẻ.

- Cần giáo dục cho trẻ biết các mối nguy hiểm từ các động vật xung quanh để biết cách phòng tránh, không trêu đùa với động vật lạ.

Tóm lại: Tùy từng loại tai nạn thương tích mà người lớn có thể áp dụng cách sơ cứu khác nhau. Nếu trẻ không ngừng tim mà có những vết thương chảy máu thì việc đầu tiên là băng bó vết thương, nếu trẻ gãy xương thì cố định xương gãy. Nếu trẻ có dấu hiệu ngừng thở, thiếu oxy, chúng ta cần kích thích xem trẻ có đáp ứng hay không, có tuần hoàn không; sau đó gọi hỗ trợ từ những người xung quanh; Đánh giá đường thở, khai thông đường thở, nếu trẻ không thở thì ngay lập tức thực hiện ép tim, thổi ngạt. Tất cả các tai nạn thương tích ở trẻ, cần được sơ cứu đúng cách và đưa trẻ tới ngay cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.

Theo suckhoedoisong.vn - 07/02/2024

 https://suckhoedoisong.vn/tai-nan-thuong-tich-hay-gap-o-tre-dip-tet-va-cach-so-cuu-phong-tranh-169240206173052571.htm