Việc chủ động và tạo điều kiện cho con tham gia vào các hoạt động ngày Tết thì con sẽ hiểu và háo hức với Tết nhiều hơn.
Theo chị Đoàn Thanh Tú ở phố Nguyễn Cơ Thạch, Hà Nội: Tết thật ra đơn giản là gói gọn hai chữ "bên nhau". Công việc, học tập chiếm rất nhiều quỹ thời gian trong năm. Vì thế cũng như nhiều gia đình có con nhỏ, chị Tú mong muốn tạo cho con gái CiCi và con trai Rio một cái Tết vui.
Năm nay vợ chồng chị Thanh Tú đưa 2 con đến các nhà vườn xem người dân thu hoạch vụ bưởi cho Tết, rồi di chuyển đến các khu vực trồng hoa lớn của Hà Nội, giải thích và chuyện trò để con hiểu về các loại hoa Tết. Đặc biệt có một hoạt động được duy trì hàng năm đó là đọc những quyển sách rất ngộ nghĩnh về các lễ hội đầu xuân.
"Nhà mình có 2 bạn nhỏ, ở các trường hiện nay có nhiều hoạt động trải nghiệm Tết, ngoài ra ở nhà thì mình cũng trang trí nhà cửa theo phong cách truyền thống để không gian sinh động hơn ngoài ra thì mình cũng đọc các đầu sách về Tết cho các con nghe " chị Tú chia sẻ.
Hiện nay, các hoạt động văn hóa, lễ hội trong dịp Tết được tổ chức khá bài bản ở các trường học vì thế Hạ Linh – con gái của mẹ An Thanh Thảo ở phố Hoàng Quốc Việt, Hà Nội cũng cảm nhận được không khí rộn ràng của ngày Tết cổ truyền. Còn ở nhà, ngoài việc sắp xếp lại đồ chơi, hay cùng mẹ trang trí nhà cửa, mẹ Thảo còn cho Hạ Linh tham gia một hoạt động khá ý nghĩa đó là trải nghiệm các chuyến thiện nguyện cùng mẹ và các cô bác.
"Năm nay 2 mẹ con đi mua cành đào, cả gia đình dành thời gian trang trí nhà cửa, chúng tôi thấy rất vui vì có những kỷ niệm mộc mạc cùng nhau. Ngoài ra, năm nay cũng cho con gái tham gia hoạt động thiện nguyện để con hiểu rằng ngày Tết là dịp để chúng ta dành nhiều thời gian và dành nhiều sự quan tâm cho nhau" - chị An Thanh Thảo cho biết.
Ở góc độ cá nhân, TS giáo dục Nguyễn Thụy Anh cho rằng: trong những năm gần đây, không khí Tết có vẻ hướng về giá trị cổ truyền, giá trị di sản một cách đậm đặc hơn.
"Rất nhiều gia đình cho các con mặc áo dài rất đáng yêu. Các gia đình đưa con đến những nơi vui chơi công cộng, tham gia các hoạt động gợi lại Tết xưa. Đặc biệt những năm gần đây có sự trở lại của các loại hoa bao cấp. Ở đây, tôi thấy 1 mong muốn được kết nối con trẻ với những cái Tết trong ký ức của bố mẹ" TS Thụy Anh bày tỏ.
Không phải trẻ không yêu Tết, chỉ là trẻ chưa có nhiều cơ hội để thấy những điều thú vị ở Tết. Nếu bố mẹ chủ động tạo điều kiện cho con tham gia vào các hoạt động ngày Tết thì con sẽ hiểu và háo hức với Tết nhiều hơn. Và khi trẻ thấy được vai trò của mình trong bức tranh rộn ràng ngày Tết, các con cảm thấy Tết có ý nghĩa hơn.
Vậy cha mẹ có thể cho trẻ được trải nghiệm Tết thông qua các hoạt động nào?
"Trải nghiệm Tết thì đi từ những chuyện rất là nhỏ đó là chuẩn bị Tết, trang trí nhà cửa, mua sắm chuẩn bị đồ ăn, chuẩn bị mâm cỗ Tết. Bố mẹ hay người thân làm gì thì trẻ đều có thể tham gia ở 1 góc độ nào đấy. Ví dụ trẻ cùng bố mẹ đi chọn hoa, chọn cành đào, chọn quất. Trong quá trình vừa đi như vậy thì lại kể chuyện cho các con: vì sao lại là hoa này, ngày xưa mẹ đón Tết ra sao, bố đón Tết ra sao, kỷ niệm của mẹ về Tết như thế nào. Ngay cả thời tiết cũng rất đặc biệt. những năm gần đây Tết lạnh trở lại và hơi có mưa phùn như ngày xưa thì cũng là cái cớ để chúng ta kể cho các con về mưa phùn gió bấc, về rét đài rét lộc. Những chi tiết bé nhỏ đấy rất quan trọng nó sẽ khiến trẻ có cảm xúc với cái Tết và gắn bó hơn với các thành viên trong gia đình, sự kết nối sẽ tốt hơn" - TS Thụy Anh gợi ý.
Ngoài chuẩn bị Tết, ăn Tết, chơi Tết, bố mẹ có thể cùng con tham gia hoạt động "đọc Tết". Thời gian gần đây, rất nhiều nhà xuất bản, công ty sách đã có rất nhiều ấn phẩm phong phú liên quan đến chủ đề Tết.
"Một phong bào lì xì với mệnh giá vừa đủ kèm với sách thì tôi đảm bảo các bạn nhỏ rất là thích" - là gợi ý của TS giáo dục Nguyễn Thụy Anh. Sự thay đổi nhỏ này không chỉ khiến trẻ thích thú mà còn giúp "kéo" lại ý nghĩa của phong tục lì xì, vốn đang bị đề cao bởi suy tính vật chất.
Theo Phạm Trang/VOV2 – 9/2/2024
https://vov.vn/van-hoa/hay-cho-tre-nhieu-co-hoi-de-thay-dieu-thu-vi-cua-tet-post1076470.vov