Trong quan niệm của người Tày, người Nùng và một số dân tộc khác, cây mía tượng trưng cho sự sinh sôi mạnh mẽ, như nguồn nước vô tận mang lại sự sống cho cây cối, con người. Vì vậy, loại cây này thường được người Tày, người Nùng... sử dụng khi thực hành các nghi lễ tín ngưỡng với mong ước được thần linh, tổ tiên phù hộ, ban phúc.
Theo nghệ nhân Ưu tú Lò Văn Lả (tổ 7, phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La) thì không chỉ tượng trưng cho nguồn nước vô tận mang lại sự sống cho cây cối, muông thú... cây mía còn được xem là "cây thang" kết nối giữa con người với Mường Trời (Mường Sliên/Bân). Người Thái còn so sánh cây mía thể hiện kiếp người từ khi sinh ra, lớn lên, lập gia đình và kết thúc sự tồn tại của mình bằng cách nở hoa.
“Đến Tết, cây mía được buộc ở hai bên ban thờ, hai hoặc 3 cây tùy mỗi nhà. Bà con dùng cây mía trắng chứ không dùng loại mía tím. Cây mía được coi như chiếc thang, chiếc gậy chống cho tổ tiên đi ăn Tết, thưởng thức sản phẩm của con cháu làm nên” - nghệ nhân Lò Văn Lả nói.
Người Tày, Nùng, Thái chọn cây mía thờ vào những ngày Tết gửi gắm mong ước năm mới được thần linh, tổ tiên phù hộ, ban phúc.
Người Tày cũng coi cây mía tượng trưng cho sự kết nối hai thế giới âm - dương và giao hòa trời - đất: Tán lá tượng trưng cho mường trời, rễ mía bám chặt vào đất như là nguồn cội của con người và những lóng mía như những nấc thang dẫn đón linh hồn tổ tiên từ trời về hạ giới xum vầy cùng con cháu trong những ngày Tết.
Bà Chẩu Thị Sen, dân tộc Tày, ở bản Bó, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang cho biết: Vị ngọt của mía tượng trưng cho cuộc sống với những điều may mắn, tốt đẹp. Do đó, tục bày cây mía ban thờ được kỳ vọng mang lại sự ngọt ngào, mọi việc trong năm mới được bình an.
“Đến Tết, tôi đi chặt hai cây mía về buộc ở hai bên bàn thờ, bày bbánh kẹo, hoa quả. Chọn cây mía thật đẹp, xuân sang Tết đến không thể thiếu được cây mía, lời mới ngọt ngào như đường mật. Thờ cho đến ngày rằm hoặc 30 tháng Giêng mới bỏ cây mía đi, còn mùng 3 đã dọn đồ thờ rồi. Rằm tháng Bảy ở đây cũng không thể thiếu được cây mía, nhưng không để thờ cả cây mà chặt ra thành khúc, đặt lên ban thờ cùng bánh kẹo” - bà Chẩu Thị Sen chia sẻ.
Cây mía trong quan niệm của người Tày, Nùng, Thái còn được xem là nấc thang kết nối giữa con người với Mường Trời (Mường Sliên/Bân)
Lễ Tết là dịp đặc biệt để bà con cảm tạ thần linh, tổ tiên đã cùng con cháu trải qua một năm lao động sản xuất và lễ vật dâng cúng thể hiện mong muốn của con người cầu mong những điều tốt đẹp trong năm tới. Ban thờ ngày Tết của người Tày, Nùng bao giờ cũng đủ đầy với bánh chưng, mứt kẹo, và các loại bánh tự làm như: Chè lam, bánh khảo, khẩu sli, thúc théc... và một chai nhỏ đựng rượu nếp, rượu ngô tự nấu. Bên phải để một đĩa trầu, cau, thuốc lào; Hai bên ban thờ dựng 2 cây mía to với chùm lá được buộc túm, cụm vào nhau như 2 đầu rồng...
Nhưng với bà Nông Thị Hoa (bản Cả Tiểng, xã Nội Thôn, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) thì người Nùng Vẻn lại không bày ban thờ nguyên cây mía: “Người Nùng Vẻn ở đây ngày Tết cũng đi mua mía nhưng không mua cây có cả ngọn mà sẽ chặt ra từng khúc, 4-6 khúc mía bó lại thành 1 bó đặt lên ban thờ. Còn tôi thấy các dân tộc khác là để cây mía có cả gốc, cả ngọn dựng suốt những ngày Tết”.
Người Nùng Vẻn ở huyện Hà Quảng (Cao Bằng) lại chặt mía ra từng khúc, 4-6 khúc mía bó lại thành 1 bó đặt lên bàn thờ
Cây mía còn thể hiện cho sự mộc mạc, chân thành, đoàn kết gắn bó trong đời sống của bà con người Tày, Nùng, Thái. Gia đình nào có vườn mía ngon, đẹp mắt thì hầu hết họ đều để dành cho ngày Tết, vừa để phục vụ gia đình, vừa làm quà biếu hoặc hàng xóm ai cần thì đến chặt. Ai đến lấy mía cũng dành thời gian hỏi han, trò chuyện về việc chuẩn bị Tết, về dự định của năm mới.
Tục bày mía bên ban thờ tổ tiên là nét đẹp văn hóa truyền thống được đồng bào Tày, Nùng, Thái lưu giữ từ đời này sang đời khác; biểu hiện sự coi trọng thiên nhiên và tỏ lòng biết ơn các bậc tổ tiên, cũng là để giáo dục con cháu về tinh thần đoàn kết, cộng đồng.
Theo Hoàng Hiền/VOV-Đông Bắc - 09/02/2024
https://vov.vn/van-hoa/cay-mia-tho-ngay-tet-post1076540.vov