Cập nhật: 11/02/2024 08:23:00
Xem cỡ chữ

Tranh làng Sình tuy có nhiều đặc điểm giống với dòng tranh Đông Hồ, nhưng để phù hợp với nhu cầu tín ngưỡng trong các lễ cầu an, giải hạn ở đây nên các nghệ nhân đã chế ra các bản khắc hình vẽ khác.

Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước in tranh. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)

Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước in tranh. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)

Nếu có dịp du lịch Thừa Thiên-Huế, du khách không nên bỏ lỡ tham quan một điểm đến mang đậm nét tín ngưỡng văn hóa tâm linh xứ Huế, đó là làng Sinh với dòng tranh dân gian.

Cùng với dòng tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống ở miền Bắc, tranh làng Sình xứ Huế cũng góp phần làm nên sự đa dạng và phong phú cho dòng tranh dân gian của nước ta.

Làng Sình là tên gọi chữ Nôm của làng Lại Ân, là một ngôi làng được hình thành khá sớm ở Đàng Trong, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 9km về phía Đông thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nơi đây được biết đến với nghề làm tranh dân gian làng Sình nổi tiếng.

Ngay từ khi hình thành, tranh làng Sình tuy có nhiều đặc điểm giống với dòng tranh Đông Hồ, nhưng để phù hợp với nhu cầu tín ngưỡng trong các lễ cầu an, giải hạn ở đây nên các nghệ nhân đã chế ra các bản khắc hình vẽ khác.

Thế nên, tranh làng Sình mới nổi danh là dòng tranh thờ cúng, khác với tranh Đông Hồ dùng để trang trí. Tranh làng Sình không chỉ được đánh giá cao về nghệ thuật tạo hình tranh dân gian mà nó còn gắn liền với văn hóa tâm linh của xứ Huế.

TTXVN_0602tranhlangSinh2.jpg

Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước khắc mộc bản để in tranh. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)

Tranh làng Sình gồm hơn 50 đề tài, chia thành 3 nhóm chủ đề chính là tranh nhân vật, tranh đồ vật và tranh súc vật. Tranh nhân vật gồm Tượng Bà, ông Điệu, ông Đốc và Tờ bếp; tranh đồ vật gồm quần áo, tiền, dụng cụ gia đình, cung tên, tiền, áo ông/ bà, áo binh (có kích thước khá nhỏ); tranh con vật như vẽ gia súc, voi, cọp, 12 con giáp để phục vụ đốt vàng mã

Khi làm ra một bức tranh, bản khắc gỗ chỉ giữ vai trò làm khuôn và in màu chính. Những màu sắc còn lại được nghệ nhân vẽ thủ công. Chính vì thế nên không có bức tranh nào giống nhau.

Nét độc đáo của tranh dân gian làng Sình là ở màu sắc, mỗi bức tranh mang một nét riêng, gắn liền với cảm xúc của nghệ nhân trong quá trình làm tranh.

Những màu sắc của tranh chủ yếu được làm ra từ yếu tố thiên nhiên. Màu vàng làm từ lá đung giã với búp hoa hòe non, màu xanh dương từ hạt mồng tơi, hạt hòe làm nên màu vàng đỏ, nước lá bàng sẽ cho màu đỏ sẫm, tro rơm nếp hòa tan trong nước rồi lọc sạch, cô lại thành màu mực đen bóng.

Để tạo ra giấy in những bức tranh truyền thống người dân làng Sình xuôi thuyền dọc phá Tam Giang về vùng cầu Hai, thị trấn Lăng Cô để cào điệp. Đây là loại sò có vỏ mỏng nhiều màu sắc. Sò sau khi cào về giã thành bột, rồi trộn với hồ, sau đó phết hỗn hợp này hai lần lên giấy dó. Đây cũng là nét độc đáo, riêng biệt của dòng tranh dân gian ở làng Sình.

Tranh làng Sình sẽ phải trải qua đủ 7 công đoạn bao gồm: cắt giấy, quét sò điệp, in tranh lên mộc bản, phơi tranh, pha màu, đổ màu và bước cuối cùng là điểm nhãn tranh. Các bước này khá cầu kỳ và làm hoàn toàn thủ công.

TTXVN_0602tranhlangSinh3.jpg

Nhiều người dân và du khách về làng Sình để trải nghiệm các công đoạn làm tranh dân gian truyền thống. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)

Mỗi tác phẩm của tranh làng Sình sẽ được tạo ra từ một khuôn gỗ hoàn chỉnh. Nghệ nhân vẽ tranh sẽ dùng mực màu đen để tạo khuôn tranh trước trên bản mộc (làm bằng gỗ mít), sau đó sẽ dùng giấy in thành một bức tranh thô.

Nghề làm tranh ở làng Sình ngày nay không còn phổ biến rộng rãi khắp làng như trước, nhưng không vì vậy mà nó không còn giá trị. Ở làng, vẫn có những gia đình có nguồn thu nhập chính từ nghề tranh. Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước chính là người giữ lửa cho làng nghề tiếp tục phát triển và là cầu nối để người dân trong làng tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống của cha ông.

Ông là người đã sáng tạo ra nhiều mẫu mới nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ người dân và làm phong phú hơn cho các mẫu tranh làng Sình. Cụ thể, năm 2000, nghệ nhân Kỳ Hữu Phước đã cho ra thể loại trang trí in trên giấy dó được quét điệp, phản ánh các sinh hoạt của đời sống và sản xuất như cày ruộng, cấy lúa, thu hoạch; các trò chơi dân gian như kéo co, bài chòi, bịt mắt, vật, bộ lịch 12 con giáp.

Sản phẩm của ông nổi tiếng trong làng và được trưng bày tại các hội chợ triển lãm tranh dân gian và các kỳ Festival Huế, Festival Nghề truyền thống Huế.

Bên cạnh đó, ông đã nghĩ ra cách làm ống tre rồi cuộn tranh cho vào bên trong, giúp giữ tranh được lâu và cũng làm sản phẩm du lịch thêm hấp dẫn, để du khách dễ dàng đưa tranh đi xa./.

Theo (Vietnam+) - 11/02/2024

 https://www.vietnamplus.vn/tranh-dan-gian-lang-sinh-net-dep-van-hoa-tam-linh-xu-hue-post926921.vnp