Cập nhật: 20/02/2024 16:37:00
Xem cỡ chữ

Ngày Thơ Việt Nam lần 22 lấy cảm hứng từ tinh thần đại đoàn kết dân tộc và nền thơ ca của 54 dân tộc anh em trong không gian của văn hóa tràn ngập từ thơ đến hoa văn thổ cẩm, nhạc cụ, nhà sàn.

Chương trình biểu diễn nghệ thuật trong Đêm Thơ Nguyên Tiêu năm Quý Mão-2023. (Ảnh: TTXVN)

Chương trình biểu diễn nghệ thuật trong Đêm Thơ Nguyên Tiêu năm Quý Mão-2023. (Ảnh: TTXVN)

Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 22 do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức sẽ diễn ra trong hai ngày 23-24/2 tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội). Đây là lần đầu tiên tiếng thơ của các tác giả từ 54 dân tộc Việt Nam sẽ cùng được cất lên, tạo thành một "Bản hòa âm đất nước."

Nhân dịp này, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus những điểm mới mẻ của sự kiện này.

Bản hòa âm của 54 dân tộc

- Thưa ông, Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 22 sẽ giới thiệu kho tàng thi ca của 54 dân tộc Việt Nam. Xin ông nêu một số điểm đặc biệt của chương trình năm nay?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Hội Nhà văn Việt Nam sẽ mời các nhà thơ, nhà văn đại diện các dân tộc của Việt Nam như Kinh, Tày, Thái, Mường, Dao... từ nhiều miền đất nước về Hoàng thành Thăng Long để cùng cất lên những bài ca về con người, về dân tộc và về những điều tốt đẹp.

Họ cùng tham gia hội thảo, tọa đàm để bàn về bản sắc văn hóa dân tộc trong các sáng tạo thi ca, các giải pháp để vừa có thể giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa đưa văn hóa dân tộc tiếp cận với hiện đại, vươn ra thế giới...

Ngày Thơ năm nay sẽ thực sự là một “bản hòa âm đất nước.”

nguyenquangthieu.jpg

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam là người chỉ đạo nội dung cho Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 22. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đêm Thơ Nguyên tiêu sẽ giới thiệu tác phẩm của 16 tác giả trong nước và quốc tế, có thể kể tên một số nhà thơ có tác phẩm tại đêm thơ như: Nông Quốc Chấn, Dương Khâu Luông (dân tộc Tày); Lò Ngân Sủn (dân tộc Giáy); Pờ Sảo Mìn (dân tộc Pa Dí), Lý Hữu Lương (dân tộc Dao), Kiều Mai Ly (dân tộc Chăm), Thạch Đờ Ni (dân tộc Kmer), Thái Hồng (dân tộc Hoa); Bùi Tuyết Mai (dân tộc Mường); Cầm Giang (Bạc Văn Ùi), Đỗ Thị Tấc, Nguyễn Phúc Lộc Thành (dân tộc Kinh)…

Mỗi người có những giọng thơ riêng biệt, mang bản sắc của dân tộc mình mà có lẽ chỉ cần họ xuất hiện trên sân khấu, thông qua trang phục, phong cách của họ, khán giả đã cảm thấy vô cùng thú vị.

Không gian Ngày Thơ sẽ là không gian của văn hóa dân tộc tràn ngập khắp mọi nơi từ thơ đến hoa văn thổ cẩm, nhạc cụ, nhà sàn…

ngaytho221.jpg

Kịch bản tổng thể và dàn dựng Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 22 do đạo diễn Lê Quý Dương (giữa) đảm nhận. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

- Một số dân tộc đã có những tác phẩm thơ ca nổi tiếng như “Đam San,” “Xinh Nhã” (Ê đê); “Bách điểu bách hoa” (Tày); “Đẻ đất đẻ nước” (Mường) và “Xống chụ xonxao” (Tiễn dặn người yêu, Thái). Trong khi đó, một số dân tộc lại có ít tác giả, tác phẩm được biết đến. Ngày Thơ năm nay sẽ quảng bá thơ văn các dân tộc như thế nào, thưa ông?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Những câu thơ, bài thơ hay của các tác giả mọi miền sẽ xuất hiện ở Đường Thơ, Quán Thơ và Đêm Thơ Nguyên tiêu. Ngoài phần trình diễn, giới thiệu thơ, chương trình còn có tọa đàm “Từ bản lĩnh đến bản sắc” đề cập đến bản sắc văn hóa dân tộc trong tác phẩm của các nhà thơ.

Mỗi vùng miền, mỗi dân tộc Việt Nam đều có bản sắc riêng nhưng để bảo vệ được điều đó thì các nhà thơ cần phải có bản lĩnh. Họ cần không ngại chia sẻ những ý niệm của mình, không sợ rằng thơ mình quá nhỏ hẹp, quá riêng tư, có thể bị đời sống nhiều khuynh hướng này trùm phủ, che khuất. Bản lĩnh là yếu tố cần thiết để cất lên tiếng nói của dân tộc, bảo vệ được văn hóa dân tộc mình.

Độc giả ngày càng quan tâm tới tác phẩm của tác giả dân tộc thiểu số

- Ông có nhận định như thế nào về “độ phủ sóng” của các tác giả dân tộc thiểu số trên văn đàn hiện nay?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Mỗi ngày, sự hiện diện của các nhà thơ dân tộc thiểu số trong đời sống văn học nước nhà lại càng rõ nét hơn. Nhờ mạng xã hội, báo chí, truyền thông mà họ có thể dễ dàng chia sẻ tác phẩm của mình. Bạn đọc cũng ngày càng quan tâm đến thơ văn của các tác giả dân tộc thiểu số nhiều nhiều hơn. Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là nỗ lực của cá nhân nhà thơ. Tới đây, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ có kế hoạch, lộ trình rõ ràng để khai thác được vẻ đẹp riêng biệt, có tính chất đặc trưng vùng miền của các nhà thơ dân tộc thiểu số.

Tôi cho rằng các nhà thơ dân tộc thiểu số luôn có sự khác biệt trong giọng nói, trong ngôn ngữ, trong cách thể hiện tác phẩm. Đó là lý do các nhà thơ như Inrasara, Kiều Mai Ly, Pờ Sảo Mìn… được chú ý trên thi đàn. Ngoài ra, các nhà thơ người Kinh nhưng sinh sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng rất được đón nhận bởi họ “ngấm” vẻ đẹp ngôn ngữ, văn hóa, đời sống vùng dân tộc đó.

- Thưa ông, hai năm nay Ngày Thơ Việt Nam diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long với không gian và quy mô lớn hơn những năm trước tổ chức ở Văn Miếu. Liệu có phải Hội Nhà văn Việt Nam có nhiều kinh phí hơn cho sự kiện này?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Quả thực, nhiều người nhận định rằng Ngày Thơ Việt Nam ngày càng hoành tráng, chương trình nghệ thuật sử dụng công nghệ âm thanh, ánh sáng hiện đại song may mắn là chúng tôi nhận được sự góp sức của nhiều cá nhân, doanh nghiệp.

Khi lên kế hoạch cho chương trình năm ngoái, tổng đạo diễn Lê Quý Dương nói với tôi phải cần tới 5 tỷ đồng nhưng chúng tôi chỉ có 1/5 số đó. Năm nay cũng vậy, kinh phí chỉ có ngần đó, anh Lê Quý Dương tự xoay sở sao cho đảm bảo chất lượng tốt nhất với chi phí thấp nhất. Hai MC năm nay là nhà báo Phan Đăng và Á hậu Thụy Vân tham gia dẫn chương trình cũng không đặt nặng vấn đề cátsê.

Hội Nhà văn Việt Nam luôn gặp khó khăn về kinh phí. Mỗi khi tổ chức sự kiện, chính bản thân tôi phải đi vận động từ nhiều nguồn. May mắn là mọi người đều yêu các nhà thơ và yêu Ngày Thơ Việt Nam (cười).

- Xin trân trọng cảm ơn ông./.

Screenshot (25).png

Phối cảnh sân khấu Đêm Thơ Nguyên Tiêu. (Ảnh: Đạo diễn Lê Quý Dương cung cấp)

Theo Vietnam+ (20/2/2024)

https://www.vietnamplus.vn/ngay-tho-viet-nam-cac-tac-gia-cua-54-dan-toc-cung-cat-len-ban-hoa-am-dat-nuoc-post928568.vnp