Bộ Công an đề xuất 6 thay đổi tại thẻ căn cước mới, trong đó không còn mục quê quán, nơi đăng ký khai sinh, vân tay, đặc điểm nhận dạng...
Ngày 23/2, tại dự thảo Thông tư về mẫu Thẻ căn cước, giấy Chứng nhận căn cước, Bộ Công an đề xuất các nội dung quan trọng ghi trên đó… Nếu Thông tư được thông qua, thẻ căn cước mới sẽ triển khai từ 1/7, đúng thời điểm Luật căn cước công dân (sửa đổi) có hiệu lực.
Bộ Công an đề xuất mẫu thẻ Căn cước áp dụng từ 1/7/2024
6 thay đổi tại thẻ căn cước mới
Theo đề xuất của Bộ Công an, tên gọi của thẻ sẽ là "Căn cước" thay cho "Căn cước công dân" đang sử dụng.
Mục "quê quán" đổi thành "nơi đăng ký khai sinh", "nơi thường trú" đổi thành "nơi cư trú". Hai thông tin này cùng với mã QR Code đang ở mặt trước, Bộ Công an đề xuất chuyển sang mặt sau.
Tại mặt sau, đề xuất đổi chữ ký của cơ quan cấp từ "Cục trưởng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, xã hội" thành "Bộ Công an". Đặc điểm nhận dạng, hai vân tay của ngón trỏ trái và phải cũng được đề xuất bỏ.
Các thông tin khác như dòng MRZ, chip điện tử ở mặt sau và màu sắc, kích thước, chất liệu khác của thẻ sẽ giữ nguyên.
Hiện, Bộ Công an chỉ cấp một thẻ căn cước công dân duy nhất cho người từ 14 tuổi. Nhưng dự thảo đề xuất cấp hai loại là thẻ cho công dân 0-6 tuổi và thẻ cho người 6 tuổi trở lên.
Hai thẻ căn cước có nội dung, hình thức, thông tin, màu sắc như nhau, nhưng thẻ cho người 0-6 tuổi sẽ không in ảnh công dân.
Đề xuất mới nhất về mẫu Chứng nhận căn cước
Luật Căn cước sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024, trong đó quy định giá trị sử dụng của giấy chứng nhận căn cước.
Mẫu giấy chứng nhận căn cước theo dự thảo của Bộ Công an. Ảnh: Bộ Công an
Cụ thể, Giấy chứng nhận căn cước có giá trị chứng minh về căn cước để thực hiện các giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng số định danh cá nhân trên giấy chứng nhận căn cước để kiểm tra thông tin của người được cấp giấy chứng nhận căn cước trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia khác và cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định của pháp luật.
Giấy chứng nhận căn cước được cấp cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch mà đang sinh sống liên tục từ 6 tháng trở lên tại đơn vị hành chính cấp xã hoặc đơn vị hành chính cấp huyện nơi không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã.
Nơi làm thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận căn cước được quy định là Cơ quan quản lý căn cước của Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương hoặc cơ quan quản lý căn cước của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch sinh sống.
Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người được cấp giấy chứng nhận căn cước theo quy định của pháp luật.
Theo PV/VOV Giao thông - 24/02/2024
https://vov.vn/xa-hoi/de-xuat-mau-the-can-cuoc-moi-ap-dung-tu-172024-post1078644.vov