Hiện nay việc quản lý người lái xe sau khi được sát hạch, cấp giấy phép lái xe đang bị buông lỏng, cơ quan chức năng chưa có các biện pháp quản lý phù hợp, nhất là quản lý việc chấp hành pháp luật của người lái xe.
Mới đây Bộ Công an đã lấy ý kiến về một số nội dung mới trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trong đó có nội dung liên quan đến việc trừ điểm đối với giấy phép lái xe.
Vậy người điều khiển phương tiện sẽ có phản ứng thế nào? Các chuyên gia nhận định ra sao về vấn đề này?
Theo đề xuất, điểm sẽ được gán cho bằng lái xe, và nếu trong một năm mất hết điểm, người đó sẽ phải thi lại GPLX sau 6 tháng.
Nhằm chuẩn bị cho Quốc hội nhấn nút thông qua dự thảo Luật Trật tự, An toàn giao thông Đường bộ, Bộ Công an vừa có dự thảo báo cáo Quốc hội giải trình một số nội dung của dự luật được đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, QH khóa XV vừa qua. Trong đó, Bộ Công an cho biết sẽ bổ sung quy định điểm, trừ điểm giấy phép lái xe.
Theo đề xuất, điểm sẽ được gán cho bằng lái xe, và nếu trong một năm mất hết điểm, người đó sẽ phải thi lại GPLX sau 6 tháng. Dự kiến mỗi người sẽ có 12 điểm/năm. Với GPLX chưa bị trừ hết điểm, tài xế tiếp tục được điều khiển phương tiện tham gia giao thông, không làm ảnh hưởng đến hoạt động tham gia giao thông, hoạt động sản xuất - kinh doanh và đời sống của người dân. Qua đó giúp cơ quan quản lý giám sát toàn diện việc chấp hành sau vi phạm của người lái xe.
Trước vấn đề này, nhiều lái xe cho rằng việc trừ điểm là cần thiết, góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông cũng như không bị giam giữ bằng lái như hiện nay đang thực hiện.
Hiện nay, nhiều nước trên thế giới cũng đã có quy định trừ điểm GPLX đối với người lái xe vi phạm giao thông
"Luật nhà nước ra thì mình cũng phải chấp nhận luật an toàn giao thông thôi. Ý thức chấp hành luật giao thông tốt, không vi phạm thì mình đâu có bị trừ điểm".
"Mình thấy quy định này nếu áp dụng thì cũng tốt, người dân sẽ chấp hành luật giao thông hơn, chứ trừ hết điểm thi lại bằng là cả một vấn đề".
"Mình ủng hộ với đề xuất này vì mình thấy nhiều người cứ nghĩ vi phạm rồi đóng phạt là xong".
Tuy vậy vẫn còn không ít ý kiến băn khoăn khi đưa quy định này áp dụng vào thực tế. Một hình thức tương tự đã từng được thực hiện vào năm 2003 là bấm lỗ trên giấy phép lái xe nhưng sau đó đã bị bãi bỏ vì nhiều lý do khác nhau.
"Gặp Cảnh sát giao thông mà bằng mình bị trừ 8 điểm rồi mà chỉ còn 4 điểm nữa thì sợ sẽ phát sinh nhiều tiêu cực".
"Có 1 cái rắc rối là mình hết điểm thì phải đổi lại tất cả các bằng lái".
"Đường xá giao thông của mình còn nhiều cái bất cập lắm. Nên mình nghĩ là chưa nên áp dụng lúc này theo các nước tiên tiến".
Dù có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh vấn đề này tuy nhiên dưới góc nhìn của Chuyên gia tâm lý tội phạm – Đoàn Văn Báu thì cho rằng, việc áp dụng trừ điểm giấy phép lái xe đối với người vi phạm giao thông là hoàn toàn hợp lý.
Trên thực tế, hiện nay, không ít người liên tục phạm lỗi khi tham gia giao thông chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên, do mức xử phạt đối với một số lỗi chưa đủ sức răn đe nên tài xế chưa có ý thức đúng mực về hành vi vi phạm của mình, lâu dần dẫn đến tâm lý "nhờn" luật.
Việc Bộ Công an đề xuất quy định trừ điểm giấy phép lái xe đối với các hành vi vi phạm trong dự thảo Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ sắp tới đây là khá mới mẻ.
"Khi mà Bộ Công an đưa ra dự thảo về việc là trừ điểm trên giấy phép lái xe thì cũng có rất nhiều ý kiến trái chiều. Tại vì có những người là một năm vi phạm rất nhiều lần và người ta chấp nhận đóng tiền, có trường hợp là đã có người là chạy quá tốc độ qua hầm Thủ Thiêm và đóng phạt lên tới bảy mươi mấy triệu, tức là vi phạm cả trăm lần. Khi ý thức chấp hành Luật giao thông đường bộ còn thấp thì những quy định mang tính răn đe và xử lý nặng đặc biệt là trên lĩnh vực an toàn giao thông thì nó sẽ góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông", Chuyên gia Đoàn Văn Báu cho biết.
Ngoài ra ông Báu còn cho biết, việc kết hợp giữa hình thức phạt nguội thông qua trích xuất camera và trừ điểm trên giấy phép lái xe sẽ góp phần tránh những tiêu cực có thể phát sinh trong quá trình xử lý vi phạm giao thông:
"Quan trọng nhất là quy định pháp luật phải rõ ràng và cái việc xử lý phải nghiêm minh, phải thực sự nghiêm minh thì sẽ nâng cao ý thức người dân. Bây giờ, việc xử lý các lỗi vi phạm giao thông hiện nay là phạt nguội và hình thức phạt nguội này thì nó được tránh được tiêu cực, không có chuyện nhũng nhiễu hay là hối lộ hay là mãi lộ gì đây mà phải hoàn toàn rên cái cơ sở các cái thiết bị, do đó là nó sẽ đem lại một cái hiệu quả cao".
Đồng tình với quan điểm trên, theo TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông đô thị đánh giá đây là quy định rất tích cực. Bởi lẽ nếu triển khai thực hiện trong thời gian tới, quy định này sẽ đảm bảo được việc nâng cao ý thức và kỹ năng của người tham gia giao thông:
"Trước đây 5 hay 10 năm thì chúng ta cũng đã thực hiện việc này rồi nếu như hiện nay chúng ta khôi phục lại thì cũng là một ý tốt, tăng tính răn đe đối với những người lái xe".
Hiện nay, nhiều nước trên thế giới cũng đã có quy định trừ điểm GPLX đối với người lái xe vi phạm giao thông như Mỹ, châu Âu, Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc,...
Tuy nhiên theo Luật sư Phạm Hoài Nam – Giám đốc điều hành công ty Luật Bến Nghé Sài Gòn cho rằng, việc triển khai thực hiện tại nước ta cần phải được nghiên cứu kỹ để phù hợp với cơ sở hạ tầng, phương tiện giao thông và cũng như tránh chồng chéo giữa các quy định xử lý vi phạm an toàn giao thông hiện đang áp dụng: "Để tránh và chồng chéo với các nghị định và xử lý, xử phạt vi hành chính trong lĩnh vực giao thông, cụ thể tước lái xe có thời hạn. Cái này thì có thể sẽ bị chồng chéo với trừ điểm nó có thể là gây gây chồng chéo trong vấn đề về xử lý.
Cho nên về vấn đề này tôi nghĩ khi đưa vào quy định này thì cũng cần tính đến các quy phạm pháp lý giữa vấn đề các nghị định xử phạt vi phạm giao thông đang áp dụng. Ngoài ra, về vấn đề cái cơ sở hạ tầng thì cũng cần phải xem xét ở góc độ là về cập nhật dữ liệu và cũng cần phải có cái công tác về tuyên truyền rồi phổ biến các quy định pháp luật cho người dân nắm rõ".
Việc Bộ Công an đề xuất quy định trừ điểm giấy phép lái xe đối với các hành vi vi phạm trong dự thảo Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ sắp tới đây là khá mới mẻ. Bộ cũng cho rằng việc trừ điểm bằng lái không phải là xử phạt hành chính mà được xây dựng tương đồng quy định tước giấy phép hành nghề như các lĩnh vực y tế, dược.
Tuy mới ở thể thức xin ý kiến bằng văn bản các cơ quan, hiệp hội nhưng đề xuất cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, nhất là các lái xe.
Thực tế từ năm 2003, các ngành chức năng đã áp dụng biện pháp “bấm lỗ “vào bằng lái khi người điều khiển xe ô tô vi phạm pháp luật về an toàn giao thông đường bộ. Người nào bị bấm lỗ 2 lần sẽ phải thi lại Luật; bị bấm 3 lỗ sẽ bị tước bằng và phải thi lại lấy giấy phép lái xe cả phần lý thuyết và thực hành.
Thế nhưng sau 4 năm thực hiện thì quy định này đã bị bãi bỏ vì việc bấm lỗ trên giấy phép lái xe không thể hiện thời điểm vi phạm, bằng lái lem nhem thiếu thẩm mỹ. Ngoài ra việc bấm lỗ dễ phát sinh tiêu cực khi lái xe bị bấm lỗ nhiều thì tìm mọi cách "chạy" bằng lái mới.
Nói điều này để thấy, đề xuất trừ điểm vào giấy phép lái xe cũng là một quy định bắt buộc nhằm nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông của mỗi người lái xe. Qua đó, mục tiêu mấu chốt là góp phần kéo giảm tai nạn giao thông cho mỗi người khi ra đường.
Vấn đề ở đây là trình tự, thủ tục, thẩm quyền và cách làm, cách áp dụng quy định này theo Luật trật tự, an toàn giao thông sắp tới cần hết sức rõ ràng, cụ thể; không chung chung, khó hiểu, khó áp dụng. Vì nếu thực hiện thiếu công tâm, khách quan dễ dẫn đến việc trừ điểm có thể oan sai, gây bức xúc.
Không nóng vội mà nên thận trọng, cân nhắc trước sau thấu đáo khi đưa vào dự thảo Luật trật tự,an toàn giao thông trong thời gian tới.
Đó là chưa kể, tình trạng biển báo, biển hiệu quy định về trật tự an toàn giao thông đường bộ hiện nay ở nhiều địa phương không rõ ràng. Sơn kẻ vạch mờ nhạt. Biển báo giao thông bị cây cối, hoặc các vật cản che khuất. Lái xe rất khó nhận biết nên dễ vi phạm. Ở nhiều tuyến đường thì biển chỉ dẫn nhằng nhịt, lái xe rất căng thẳng khi quan sát; sơ sảy là mắc lỗi.
Một vấn đề nữa là điều kiện đường sá còn chật hẹp. Đa số là lưu thông phương tiện hỗn hợp; ô tô, xe máy, xe container cùng song hành. Nếu thiếu tập trung hoàn toàn có thể vi phạm lỗi.
Do vậy, có đưa vào dự thảo Luật trật tự, an toàn giao thông sắp tới quy định trừ điểm vào bằng lái các lỗi vi phạm với tổng số điểm là 12 hay không vẫn còn đang được lấy ý kiến của các bên liên quan. Điều này cũng thể hiện tính khoa học, căn cơ khi làm luật.
Vấn đề còn lại là nội hàm của các quy định này phải được cụ thể hóa rõ ràng, dễ nhớ, dễ hiểu và dễ áp dụng. Tránh tình trạng khi triển khai lại không khả thi hoặc chỉ tạo sự thuận lợi cho công tác quản lý; gây khó cho thực tiễn cuộc sống, vận hành của các tổ chức và cá nhân.
Do vậy không nóng vội mà nên thận trọng, cân nhắc trước sau thấu đáo khi đưa vào dự thảo Luật trật tự,an toàn giao thông trong thời gian tới.
Theo Trọng Nghĩa/VOV - Giao Thông - 02/03/2024
https://vov.vn/xa-hoi/tru-diem-giay-phep-lai-xe-lieu-co-tang-tinh-ran-de-post1079946.vov