Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường tham dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Australia, thăm chính thức Australia và New Zealand.
Sáng 4/3, Chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam lên đường tham dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN – Australia, thăm chính thức Australia và thăm chính thức New Zealand từ ngày 5-11/3/2024 theo lời mời của Thủ tướng Australia - Anthony Albanese và Thủ tướng New Zealand - Christopher Luxon.
Tiễn Thủ tướng và Phu nhân tại Sân bay Nội Bài- Hà Nội
Hội nghị Cấp cao Đặc biệt diễn ra từ ngày 4-6/3, là dấu mốc quan trọng trong lịch sử chung của Australia với khu vực. Dấu mốc thể hiện cam kết của Australia trong việc tăng cường hợp tác với khu vực Đông Nam Á. Đây là lần thứ hai Australia tiếp đón các nhà lãnh đạo ASEAN kể từ sau Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN-Australia lần đầu tiên diễn ra vào năm 2018.
Nội dung trọng tâm của Hội nghị Cấp cao đặc biệt lần này là kỷ niệm 50 năm quan hệ đối tác đối thoại Australia - ASEAN. Australia là quốc gia đầu tiên thiết lập quan hệ đối tác đối thoại với ASEAN và 4 năm trước, Australia đã trở thành đối tác chiến lược toàn diện đầu tiên của ASEAN và ASEAN là đối tác thương mại quan trọng thứ hai của Australia.
Năm 2022, thương mại hai chiều của Australia với các nước ASEAN đạt khoảng 178 tỷ AUD - cao hơn mức thương mại hai chiều của Australia với Nhật Bản, Hoa Kỳ hay EU. Tính theo bình quân đầu người, Australia là đối tác phát triển lớn nhất của ASEAN. Sự hợp tác này bao gồm việc hỗ trợ các dự án do ASEAN dẫn dắt nhằm giải quyết những thách thức phức tạp trong khu vực, như việc xây dựng Chiến lược ASEAN về Trung hòa carbon.
Năm 2023, Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã công bố báo cáo "Đầu tư: Chiến lược kinh tế Đông Nam Á của Australia đến năm 2040". Chiến lược này đưa ra lộ trình thực tế nhằm tăng cường thương mại và đầu tư hai chiều, với mục tiêu tăng thêm cơ hội cho các doanh nghiệp tại Australia và Đông Nam Á.
Hội nghị Cấp cao Đặc biệt sẽ tập trung vào bốn lĩnh vực chủ chốt: Kinh doanh, Lãnh đạo mới nổi, Khí hậu và Năng lượng sạch, Hợp tác Hàng hải. Các hoạt động cụ thể bao gồm: Diễn đàn CEO Doanh nghiệp sẽ quy tụ các lãnh đạo doanh nghiệp của Australia và Đông Nam Á, các bên liên quan trong các ngành công nghiệp và các cơ quan chính phủ để thảo luận về các cách tăng cường thương mại và đầu tư hai chiều.
Thủ tướng và Phu nhân lên đường dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Australia
Hội nghị Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), cùng với Thị trường SME với sự tham gia của các chuyên gia thương mại và đầu tư để đưa ra lời khuyên cho các SME Australia đang quan tâm đến việc thực hiện hoạt động kinh doanh với khu vực Đông Nam Á.
Thế hệ lãnh đạo tiếp theo của Australia và ASEAN sẽ tham gia Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo mới nổi nhằm tìm cách thúc đẩy sự hiểu biết chung về những thách thức dài hạn quan trọng mà ASEAN và Australia cùng đối mặt, đồng thời xác định các lĩnh vực hai bên có thể hợp tác xa hơn nữa.
Diễn đàn Khí hậu và Năng lượng sạch sẽ quy tụ các đại diện ASEAN và Australia của các chính phủ, giới học giả, chuyên gia và khu vực tư nhân để thúc đẩy việc trao đổi ý tưởng và xem xét các cơ hội nhằm tiếp tục quá trình chuyển đổi năng lượng trên toàn khu vực.
Nền kinh tế xanh và các vấn đề an ninh hàng hải sẽ được thảo luận trong các nghiên cứu học thuật mới tại Hội nghị Hợp tác Hàng hải. Bên cạnh đó, đối thoại Kênh 1.5 về Hợp tác Hàng hải sẽ là nơi để chia sẻ các quan điểm về những thách thức và cơ hội hàng hải trong khu vực .
Trong khoảng thời gian giữa hai Hội nghị Cấp cao Đặc biệt, mối quan hệ song phương giữa Australia và Việt Nam đã có sự phát triển đáng kể. Năm 2018, Thủ tướng hai nước đã nâng cấp quan hệ song phương thành Đối tác Chiến lược. Chỉ 4 năm sau, nhân chuyến thăm Australia của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, lãnh đạo hai nước đã nhất trí việc xem xét nâng cấp quan hệ thành Đối tác Chiến lược Toàn diện (CSP), phản ánh tầm quan trọng, tiềm năng trong hợp tác song phương.
Các lĩnh vực trọng tâm của Hội nghị Cấp cao năm 2024 phản ánh những ưu tiên chung trong mối quan hệ Australia-Việt Nam. Phía Australia mong muốn nâng cấp quan hệ song phương thành Đối tác Chiến lược Toàn diện và tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực quan trọng, bao gồm biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, thương mại và đầu tư, khoáng sản trọng yếu và giáo dục.
Australia và Việt Nam kết nối với nhau thông qua sự gắn bó giữa con người và gia đình. Tiếng Việt là ngôn ngữ được sử dụng phổ biến thứ tư ở Australia, Australia có hơn 350.000 người gốc Việt, góp phần tạo nên sự đa dạng văn hóa của Australia. Hàng chục nghìn sinh viên Việt Nam đã được hưởng lợi từ cam kết của Australia đối với giáo dục tại Việt Nam, thông qua những đóng góp đáng kể của Đại học RMIT trong việc phát triển năng lực của Việt Nam.
Nói về quan hệ giữa Việt Nam và New Zealand, ta và bạn thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 19/6/1975, thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện tháng 9/2009, nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược tháng 7/2020. Hai nước duy trì trao đổi đoàn cấp cao và các cấp. Sau đại dịch, hai nước nối lại các chuyến thăm cấp cao, tiêu biểu có Thủ tướng Jacinda Ardern thăm chính thức Việt Nam (11/2022) và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức New Zealand (12/2022).
Về kinh tế - thương mại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 14 của New Zealand, trong đó, Việt Nam là nhà xuất khẩu thứ 13 vào thị trường New Zealand và là nhập khẩu đứng thứ 17 của New Zealand. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng đều qua các năm, từ 300 triệu USD năm 2009 tới 750 triệu USD năm 2013. Năm 2022 đạt 1,4 tỷ USD và năm 2023 đạt 1,3 tỷ USD, giảm khoảng 5,6% so với năm 2022.
Tính đến tháng 11/2023, New Zealand có 52 dự án đầu tư với tổng số vốn 208,35 triệu USD, đứng thứ 39/143 quốc gia và lãnh thổ có đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam, tập trung nhiều nhất tại lĩnh vực kinh doanh bất động sản, giáo dục và đào tạo, công nghiệp chế biến chế tạo, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ; xây dựng.
New Zealand dành cho Việt Nam nguồn ODA ổn định và tăng dần theo từng năm, New Zealand cam kết dành cho Việt Nam 26,7 triệu NZD ODA không hoàn lại cho giai đoạn 01/7/2021 - 30/7/2024; tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, giáo dục, ứng phó đại dịch Covid-19.
Chuyến thăm chính thức Australia và New Zealand của Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ giúp tạo xung lực mạnh mẽ làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác Chiến lược với Australia và New Zealand, tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại nhất quán mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.
Theo Vũ Khuyên/VOV - 04/03/2024
https://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-len-duong-du-hoi-nghi-cap-cao-ky-niem-50-nam-quan-he-asean-australia-post1080331.vov