Không ít trường hợp để bênh vực con em mình khi xảy ra mâu thuẫn với bạn bè, phụ huynh đã thẳng tay “xử lý” giúp con em mình bằng chính hành động bạo lực, hoặc đồng tình, cổ xúy cho con dùng bạo lực để giải quyết. Điều này không chỉ làm tổn hại đến những trẻ khác mà còn vô tình "đầu độc" chính con em mình bằng lối ứng xử thiếu văn hóa, côn đồ.
Ngày 25/3, tại Hải Dương vừa xảy ra một vụ việc nữ sinh lớp 7 bị nam thanh niên hành hung, tát nhiều lần vào đầu, mặt. Theo lãnh đạo UBND xã An Thượng (TP Hải Dương), trước đó nữ sinh này có xích mích nhỏ với một học sinh lớp 9 cùng trường. Thấy vậy, người chú của học sinh lớp 9 đã ra tay đánh nữ sinh lớp 7.
Đau lòng hơn nữa, tại Hà Nội cũng vừa xảy ra vụ việc em Đ. (học sinh lớp 8) khi chơi bóng rổ tại sân đình Lệ Mật (phường Việt Hưng, quận Long Biên) thì xảy ra mâu thuẫn với em K (học sinh lớp 6). Sau đó học sinh em K. đã bỏ về, gọi anh trai và bố ra sân chơi để tìm gặp em Đ. Tại đây, K. và anh trai của K. đã đánh Đ. đến mức bất tỉnh tại chỗ. Nạn nhân sau đó được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và trải qua 2 lần phẫu thuật. Do em Đ. bị tổn thương quá nặng, rơi vào tình trạng chết não, phải duy trì sự sống bằng máy móc.
Nam sinh lớp 8 tại Hà Nội bị bạn và anh trai của bạn đánh trọng thương, chết não (Ảnh: KT)
Sau khi sự việc được đưa lên báo chí và các trang mạng xã hội, nhiều người không khỏi bàng hoàng trước sự lạnh lùng, nhẫn tâm của người lớn, khi trực tiếp tham gia hoặc chứng kiến, đồng tình cho con em mình thực hiện hành vi bạo lực với người khác.
Anh Trần Minh Hiếu (Ba Đình, Hà Nội) cho rằng, làm cha, mẹ, bất cứ ai cũng sẽ cảm thấy xót xa khi con mình bị bắt nạt và tìm cách bảo vệ con. Nhưng bảo vệ, bênh vực con thế nào cho đúng lại là việc cần bàn.
“Có đôi lần con tôi đi học về và nói với bố rằng con bị bạn A, bạn B đánh. Trong những trường hợp đó, tôi thường trấn tĩnh, động viên con để con bình tĩnh và hỏi con về nguyên nhân xảy ra mâu thuẫn, phân tích cho con hiểu trong sự việc đó con đúng ở đâu và sai ở đâu. Nếu con sai sẽ yêu cầu con đến xin lỗi bạn, nếu con bị bạn làm tổn thương, tôi vẫn đưa con đến gặp cô giáo để trao đổi với cô. Ưu tiên số 1 của tôi khi con gặp những tình huống này là làm sao giúp con và bạn tháo gỡ được những khúc mắc, mâu thuẫn. Nếu không giải quyết được phần gốc của vấn đề, rất có thể lần sau sẽ tiếp tục xảy ra những xô xát”, anh Hiếu chia sẻ.
Phụ huynh này cho rằng, trẻ đang trong độ tuổi phát triển, khả năng nhận thức, làm chủ cảm xúc chưa được toàn diện, do đó rất dễ có những cảm xúc tiêu cực khi bị kích động. Tuy nhiên bậc làm cha, làm mẹ, những người lớn cần hướng dẫn cho con cách hành xử đúng. Việc trực tiếp thực hiện hành vi bạo lực hay cổ xúy, đồng tình để con đánh lại bạn khi xảy ra mâu thuẫn là hành vi không thể chấp nhận.
“Bên cạnh đó, tôi cũng dạy con cách bảo vệ bản thân, như khi con bị bắt nạt, cần báo ngay cho cô giáo, hô hoán, nhờ đến sự giúp đỡ của người lớn xung quanh, cài số điện thoại của bố mẹ khẩn cấp để gọi nhanh khi cần…", anh Hiếu nói thêm.
Chị Phạm Phương Anh (Hoàng Mai, Hà Nội) có con đang học lớp 7 cũng cho rằng, việc con có những mâu thuẫn với bạn bè là điều khó tránh khỏi, nhất là ở độ tuổi dậy thì, xuất hiện những thay đổi về tâm, sinh lý, luôn khao khát được thể hiện bản thân.
“Có lần con đi học về kể rằng một số bạn trong lớp hẹn nhau ra cổng trường để “dằn mặt” nhau chỉ vì cùng thích 1 bạn nữ, hay đôi khi là câu chuyện bạn này điểm cao hơn bạn kia, bạn này có gương mặt nhìn “gợi đòn”….”, chị Phương Anh kể.
Chị Phương Anh cho biết, chính con trai chị cũng đã từng bị 1 nhóm bạn khác “cảnh cáo” do có một vài mâu thuẫn nhỏ trong quá trình học tập: “Khi biết chuyện con bị các bạn hẹn ra cổng trường “cảnh cáo” tôi cũng đã rất lo lắng. Thời gian đó tôi trực tiếp đưa đón con đi học để đảm bảo rằng con được an toàn. Trước hết, tôi tìm đến cô giáo chủ nhiệm để cô có hướng giải quyết, kết nối các con, phụ huynh với nhau để cùng nói chuyện. Khi mâu thuẫn được xử lý, tôi cũng an tâm hơn khi con đến trường”, chị Phương Anh chia sẻ.
Một trong những phương châm giáo dục của chị Phương Anh là con cần biết tự bảo vệ bản thân mình, song không thể dùng bạo lực để giải quyết một vấn đề bạo lực khác.
“Nếu dạy con cách đánh lại bạn, sau này lớn lên con cũng sẽ dùng cách đó để ứng xử với xã hội. Khi các con còn ngồi trên ghế nhà trường, những xô xát nhỏ có thể được hóa giải bằng lời xin lỗi, bằng sự tha thứ của thầy cô và gia đình, nhưng khi lớn lên, các con sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi sai trái của mình”, phụ huynh này nhấn mạnh.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng, bạo lực học đường giữa học sinh với học sinh đã là đáng trách và cần xử lý nghiêm, nhưng nếu phụ huynh cũng tiếp tay, tham gia thì phụ huynh hoàn toàn phải chịu trách nhiệm về pháp luật, các quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc làm rõ, xử lý nghiêm.
"Hành vi này không còn là chuyện bênh con mà là bạo hành người khác. Những người vi phạm cần xử lý theo đúng khung pháp luật, xử nghiêm để làm gương. Tiếp tay cho bạo lực là hoàn toàn sai, không thể chấp nhận.
Ở một góc độ khác, chính những phụ huynh này đang "đầu độc" con em mình, làm gương xấu để biến con trở nên bạo lực, có cách hành xử côn đồ. Quá trình phát triển của mỗi đứa trẻ đều chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giáo dục gia đình. Những đứa trẻ đó sẽ lớn lên và trở thành người thế nào khi bố mẹ, gia đình đồng tình, dạy chúng cách bạo lực với người khác?" TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.
Thầy Tùng Lâm cho rằng, khi phát hiện con có mâu thuẫn với bạn bè, việc đầu tiên cần can ngăn, hòa giải, không được phân biệt thắng thua. Tiếp đó, phụ huynh cần báo ngay cho giáo viên, nhà trường để cùng thống nhất, tìm cách giải quyết.
"Trước những vụ bạo lực học đường, việc đầu tiên là cần giáo dục cho các em, chứ không phải tìm cách trả thù, càng không phải dùng bạo lực của mình để giải quyết một hành vi bạo lực khác", thầy Tùng Lâm nói.
Theo Nguyễn Trang/VOV.VN – 28/3/2024
https://vov.vn/xa-hoi/bao-luc-hoc-duong-bao-gio-cham-dut-khi-phu-huynh-la-nguoi-tiep-tay-post1085456.vov