Theo kế hoạch, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025 sẽ diễn ra từ ngày 1-3/6/2023, sớm hơn 10 ngày so với năm học trước. Để chuẩn bị cho kỳ thi, các Trường THCS trên địa bàn tỉnh đang tăng cường hướng dẫn học sinh ôn tập, giúp các em củng cố kiến thức, kỹ năng và ổn định tinh thần, sẵn sàng bước vào kỳ thi quan trọng này.
Thay vì thi 5 môn như các năm học trước, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm nay sẽ giảm còn thi 3 môn gồm Toán, Ngữ Văn và Tiếng Anh. Sự thay đổi này cũng khiến cho nhiều em học sinh lo lắng, áp lực, nhất là đối với các em học sinh vùng nông thôn, miền núi khi Tiếng Anh không phải là môn thế mạnh của các em.
Để giúp các em học sinh đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi vào lớp 10, Trường THCS Tân Lập, huyện Sông Lô đã phân loại học sinh theo năng lực để xây dựng chương trình dạy học, ôn tập theo từng đối tượng. Giáo viên các bộ môn ôn tập, củng cố, khắc sâu kiến thức cơ bản; tăng cường việc tổ chức cho học sinh làm các bài kiểm tra ngắn sau mỗi buổi ôn tập, giúp các em nhớ lâu hơn kiến thức bài học, đồng thời, rèn luyện kỹ năng làm bài.
Trong mấy năm trở lại đây, kỳ thi vào lớp 10 THPT tại Vĩnh Phúc luôn nhận được sự quan tâm rất lớn từ phía dư luận xã hội bởi tính căng thẳng, cạnh tranh cao để có tấm vé vào các Trường THPT công lập. Chính vì vậy, cùng với việc đẩy mạnh công tác ôn tập, tăng cường luyện đề, giáo viên của Trường THCS Xuân Hòa, huyện Lập Thạch luôn quan tâm đến các vấn đề tâm lý, giải tỏa những áp lực, động viên khích lệ tinh thần học tập cho học sinh.
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, năm học 2023-2024 toàn tỉnh có hơn 20.000 học sinh lớp 9, tăng hơn 1.000 học sinh so với năm học trước. Số lượng học sinh tăng cũng đồng nghĩa với áp lực tuyển sinh lớn khi tỷ lệ phân luồng vào các trường nghề có xu hướng ngày càng tăng. Do vậy, Sở Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các nhà trường thực hiện khảo sát, đánh giá năng lực học sinh, từ đó, có kế hoạch dạy học và ôn tập cụ thể phù hợp với từng đối tượng học sinh. Đồng thời, tư vấn, hướng nghiệp giúp các em có sự lựa chọn vào các Trường THPT hoặc các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên, Trường đào tạo nghề cho phù hợp năng lực của từng học sinh.
Thu Hoài