Viêm VA là một bệnh lý phổ biến ở trẻ em, đặc biệt là ở nhóm trẻ dưới 4 tuổi. Viêm VA cấp ở trẻ có thể kéo dài liên tục từ 4 đến 6 đợt mỗi năm, dần dần sẽ thành mạn tính. Nhiều cha mẹ than phiền khi trẻ mắc viêm VA liên tục, vậy chữa viêm VA ở trẻ như thế nào, có khó không?
Nguyên nhân gây viêm VA
VA là một tổ chức lympho có trong vòm họng, đóng vai trò bảo vệ vùng mũi họng, nhưng thường bị tác nhân gây bệnh tấn công dẫn đến viêm. Đây là bệnh lý thường gặp trong khu vực tai mũi họng. VA là tổ chức nhiều tế bào bạch cầu (lympho) ở vòm mũi họng, khi bị viêm và quá phát thành các khối to, hay còn gọi là sùi vòm họng thì sẽ cản trở việc hít thở không khí.
Chính vì VA là bộ phận thường xuyên tiếp xúc với vi khuẩn nên rất dễ bị viêm. Khi cơ thể bị viêm nhiễm, VA sẽ hỗ trợ tạo kháng thể. Nhưng vì một lý do nào đó mà sức đề kháng bị giảm, vi khuẩn sẽ xâm nhập, cư trú và phát triển nhiều hơn tại VA. Lúc này VA được xem là ổ chứa các vi khuẩn.
Một số loại vi khuẩn, virus phổ biến gây viêm VA:
-
Vi khuẩn Streptococcus Pyogenes, Streptococcus Pneumoniae, Moraxella Catarrhalis và nhiều loài Staphylococcus, bao gồm cả Staphylococcus Aureus.
-
Virus gây bệnh gồm Adenovirus, Rhovovirus và Paramyxovirus.
Triệu chứng viêm VA cấp thường gặp ở trẻ em:
Một số triệu chứng điển hình của viêm VA cấp ở trẻ là:
-
Sốt trên 38 độ C, có khi sốt cao trên 39 – 40 độ C kèm theo nước mũi. (Ban đầu nước mũi còn trong, lỏng, sau đó đặc dần và có mủ).
-
Tắc nghẹt mũi, chảy nước mũi, nhất là lúc ngủ và được thể hiện rõ nhất lúc trẻ đang bú. Trẻ sẽ không bú liên tục mà thỉnh thoảng nhè đầu ti đang ngậm ra để thở và khóc.
-
Ho (xuất hiện vào ngày thứ 2 hay ngày thứ 3).
-
Bỏ bú, bỏ ăn.
-
Rối loạn tiêu hóa gây nôn trớ, tiêu chảy.
-
Ngủ không ngon giấc, hay giật mình, hoảng hốt, ngủ ngáy và có khi có những cơn ngưng thở khi ngủ.
-
Khả năng nghe bị yếu đi.
-
-
Viêm VA là một bệnh lý phổ biến ở trẻ em.
Chẩn đoán viêm VA ở trẻ
Hiện nay, một trong những phương pháp tốt nhất để chẩn đoán viêm VA là nội soi qua đường miệng hoặc đường mũi. Dựa theo phương pháp này các bác sĩ có thể đánh giá được kích thước VA cũng như phân độ viêm VA quá phát.
Ngoài ra, còn có thể chẩn đoán bằng các phương pháp sau:
-
Xét nghiệm máu: Bạch cầu tăng.
-
X quang phổi: Có thể bình thường hay viêm phế quản, viêm phổi.
-
Đo nhĩ lượng: Có dịch trong hòm nhĩ ở các trường hợp viêm tai giữa ứ dịch.
-
Thính lực: Nghe kém dẫn truyền nhẹ.
Chữa viêm VA ở trẻ thế nào?
Viêm VA điều trị không khó nhưng cần phải điều trị đúng. Chính vì vậy người bệnh cần tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ, tuyệt đối không sử dụng các phương pháp chưa được đánh giá trên cơ sở khoa học. Chú ý bổ sung nhiều vitamin vào chế độ ăn uống của trẻ, để giúp trẻ nhanh khỏi bệnh.
Nguyên tắc điều trị cho trẻ theo đúng quy chế kê đơn. Thông thường trẻ viêm VA cần điều trị các nhóm thuốc:
-
Thuốc hạ sốt: Các bé sốt cao cần cho uống thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ.
-
Thuốc loãng đờm, tiêu nhầy.
-
Thuốc kháng Histamine.
-
Thuốc Corticoid khi cần thiết.
-
Thuốc kháng sinh: Các trường hợp nhiễm khuẩn, viêm phế quản, viêm phổi thì cần uống kháng sinh, theo đơn bác sĩ hướng dẫn.
-
Nước muối sinh lý 0.9% xịt mũi.
Tuy vậy, trường hợp nguyên nhân gây bệnh là virus thì không được sử dụng kháng sinh khi chưa có dấu hiệu bội nhiễm. Dựa vào các triệu chứng của người bệnh để tiến hành điều trị, nâng cao sức đề kháng để hạn chế biến chứng về sau. Cụ thể:
Vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý 0,9%, để làm loãng bớt dịch nhầy.
Sử dụng thêm các thuốc nhỏ mũi, xịt mũi có thành phần co mạch kết hợp với việc hút mũi để làm thông thoáng đường thở đối với những trẻ bị ngạt mũi, khó thở.
Tiến hành khí dung theo chỉ định của bác sĩ đối với những trẻ có quá nhiều dịch mũi, tình trạng khó thở nặng kèm theo khò khè.
Bổ sung thêm nhiều rau xanh, trái cây tươi vào chế độ ăn uống, việc này sẽ tăng cường bổ sung các vi chất, nâng cao thể trạng cho người bệnh. Kết hợp với việc nghỉ ngơi, tránh lao động nặng quá sức.
Chỉ sử dụng kháng sinh toàn thân đối với những trường hợp viêm VA ở trẻ thể nặng, có nguy cơ bị bội nhiễm. Tuy nhiên, tùy vào triệu chứng của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định loại kháng sinh phù hợp.
Trong trường hợp bệnh kéo dài, điều trị bằng kháng sinh liều cao kết hợp với nâng cao thể trạng của bệnh nhân nhưng không đem lại hiệu quả thì mới nên cân nhắc sử dụng phương pháp phẫu thuật nạo VA. Việc phẫu thuật nạo VA có thể điều trị dứt điểm tình trạng viêm nhiễm mà lại không gây ra ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của trẻ. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ được sử dụng khi thật sự cần thiết và có sự chỉ định, thăm khám từ bác sĩ chuyên khoa.
Lời khuyên thầy thuốc
Để phòng ngừa viêm VA cần hạn chế đưa trẻ đến những nơi có nguy cơ cao, không thơm má, ho hoặc hắt hơi gần trẻ.
Thường xuyên đeo khẩu trang để hạn chế tác nhân gây bệnh (khói bụi, vi khuẩn, virus trong không khí…)
Sau 6 tháng tuổi trẻ nên được cho ăn dặm, trong chế độ ăn cần đa dạng hóa các nhóm chất để tăng sức đề kháng cho trẻ.
Tiêm phòng đầy đủ các mũi vaccine, với những trẻ có đường hô hấp kém thì có thể tiêm phòng vaccine dự phòng viêm đường hô hấp.
Trẻ bị các vấn đề về đường họng, hô hấp cần điều trị sớm và dứt điểm, tránh để tình trạng bệnh trở nặng gây biến chứng.
Không tự ý dùng thuốc khi chưa rõ nguyên nhân gây bệnh hoặc khi chưa có chỉ dẫn từ bác sĩ điều trị.
Nếu thấy trẻ ho và sổ mũi nhiều kèm theo sốt thì cần cho trẻ đi thăm khám, nội soi tai mũi họng nhằm đánh giá được tình trạng của trẻ.
Theo suckhoedoisong.vn - 21/04/2024
https://suckhoedoisong.vn/chua-viem-va-o-tre-em-co-kho-khong-169240419211232473.htm