Cập nhật: 03/05/2024 09:40:00
Xem cỡ chữ

Tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025. Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Công việc khó, phức tạp, khối lượng công việc nhiều. Do đó, để thực hiện thành công phương án sắp xếp, các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị tỉnh đã thể hiện quyết tâm chính trị cao, lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt từ tỉnh đến cơ sở; đồng thời đã xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện cụ thể.

Tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 136 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó gồm 102 xã, 16 phường, 18 thị trấn. Qua thống kê, rà soát, toàn tỉnh có 22 đơn vị hành chính cấp xã chưa đảm bảo tiêu chuẩn về diện tích và dân số theo qui định, thuộc diện phải thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025. Đây là các đơn vị hành chính cấp xã có qui mô nhỏ, nguồn lực địa phương bị phân tán, không gian phát triển hạn chế, gây ra nhiều khó khăn, cản trở trong công tác lập kế hoạch, qui hoạch dài hạn về phát triển kinh tế - xã hội. Việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và được xác định là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh.

Thực hiện nhiệm vụ sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh, các sở ban ngành, các cấp ủy, chính quyền địa phương đã tập trung tuyên truyền, quán triệt về mục đích, ý nghĩa công tác sắp xếp đơn vị hành chính đến toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân để tạo sự đồng thuận. Căn cứ các tiêu chuẩn về diện tích, dân số và các điều kiện đặc thù, các cơ quan, địa phương đã tiến hành rà soát kĩ lưỡng và xây dựng các phương án để xác định các đơn vị sắp xếp.

Huyện Vĩnh Tường là địa phương có số lượng nhiều nhất đơn vị hành chính cấp xã sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn tỉnh, với tổng số 15 xã, thị trấn thực hiện sắp xếp. Huyện ủy Vĩnh Tường đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này; thành lập Ban Chỉ đạo từ huyện đến cơ sở; thành lập các tổ giúp việc; thực hiện rà soát các xã, thị trấn theo các tiêu chí của Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.

Để tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân ở các xã, thị trấn thuộc diện phải sắp xếp, Huyện ủy Vĩnh Tường đã phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, các ban Đảng cùng các địa phương tuyên truyền, vận động Nhân dân nhận thức rõ về chủ trương của Đảng, Nhà nước và lợi ích của việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Huyện đã tiến hành lấy ý kiến đại biểu Hội đồng Nhân dân, lấy ý kiến cử tri ở các địa phương. Phần lớn đại biểu, cử tri và người dân đồng thuận với chủ trương và phương án thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn huyện.

Theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn huyện Vĩnh Tường, thị trấn Thổ Tang mới được thành lập từ việc sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, qui mô dân số xã Vĩnh Sơn vào thị trấn Thổ Tang hiện nay. Ngay khi tiếp nhận chủ trương, đề án dự thảo của huyện, Đảng ủy thị trấn đã chỉ đạo UBND, HĐND, Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, các chi bộ trực thuộc Đảng bộ thị trấn tập trung cao độ cho công tác sắp xếp đơn vị hành chính, tiến hành theo các bước và đúng tiến độ.

Công tác tuyên truyền tại thị trấn Thổ Tang được thực hiện bằng nhiều hình thức, trong đó, trang page của thị trấn là một kênh hữu hiệu để vừa thông tin nhanh chóng chủ trương, hoạt động của các cấp ủy, chính quyền, vừa kịp thời tiếp nhận ý kiến phản hồi của người dân. Qua đó góp phần tạo sự đồng thuận lớn trong Nhân dân về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

Cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng thuận cao với chủ trương cũng như phương án sắp xếp đơn vị hành chính của các cấp. Tuy nhiên, sau khi sắp xếp, thị trấn Thổ Tang sẽ dôi dư 15 cán bộ, công chức. Nhiều cán bộ, công chức chưa đến tuổi nghỉ hưu và rất mong có cơ chế hỗ trợ đặc thù. Đây cũng là băn khoăn chung của các địa phương sau khi sắp xếp đơn vị hành chính.

Sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, toàn tỉnh sẽ có 121 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó gồm 88 xã, 15 phường, 18 thị trấn; giảm 15 đơn vị, bao gồm 14 xã và 01 phường. Số cán bộ, công chức dôi dư sau khi thực hiện sáp nhập là hơn 200 người. Tỉnh đã xây dựng phương án và lộ trình bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Cùng với đó, Sở Nội vụ tỉnh đã nghiên cứu, đề xuất về chế độ đặc thù cho cán bộ, công chức nghỉ trước tuổi hưu.

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã để tăng qui mô diện tích tự nhiên, dân số của đơn vị hành chính, nhằm góp phần tinh gọn tổ chức, bộ máy, giảm đầu mối, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư kinh tế - xã hội, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; có điều kiện tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế sẵn có, các thế mạnh kinh tế, đảm bảo phát triển hài hòa và bền vững; tạo lập cơ sở pháp lý cho các công tác qui hoạch xây dựng, phát triển đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Với quyết tâm chính trị cao của các cấp ủy, chính quyền, cả hệ thống chính trị cùng những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, tạo đồng thuận lớn trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân là tiền đề để Vĩnh Phúc thực hiện thành công nhiệm vụ quan trọng giai đoạn này.

Tuyết Minh