Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Vĩnh Tường nhằm mở rộng không gian phát triển, tập trung nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương để phát triển bền vững. Tuy nhiên, sắp xếp như thế nào, triển khai ra sao để tránh lãng phí, tạo không gian phát triển mới nhưng vấn giữ được giá trị văn hóa, lịch sử là những vấn đề được người dân rất quan tâm.
Gần 80 năm tuổi Đảng, trên 100 tuổi đời, cụ Đỗ Văn Năng, xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường đã chứng kiến nhiều sự thay đổi, hợp tách của các đơn vị hành chính các cấp. Là cử tri cho ý kiến vào đề án sáp nhập 3 xã Cao Đại, Việt Xuân và Bồ Sao, Cụ khẳng định, sáp nhập đơn vị hành chính là cần thiết, song cần cân nhắc để đảm bảo hài hòa giữa việc gìn giữ những giá trị văn hóa, lịch sử và bài toán phát triển.
Xã Cao Đại là xã anh hùng với bề dày lịch sử truyền thống cách mạng; có cơ sở hạ tầng, các công trình xây dựng khang trang, trong đó có một Nhà văn hóa điểm quốc gia. Sau sáp nhập, việc sử dụng, phát huy những công trình này như thế nào để tránh lãng phí tiền bạc, công sức của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân là những vấn đề khiến cử tri địa phương lo lắng.
Giai đoạn 2023-2025, huyện Vĩnh Tường có 15 xã, thị trấn thuộc diện sắp xếp, sáp nhập. Sau khi hoàn tất các bước lấy ý kiến của cử tri, UBND huyện Vĩnh Tường đã dự kiến phương án bố trí, sắp xếp và giải quyết chế độ chính sách với số cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách tại các đơn vị hành chính sáp nhập.
Sắp xếp đơn vị hành chính là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Song việc sắp xếp, sáp nhập cần đảm bảo hài hòa giữa các yếu tố của lịch sử và hiện tại, đảm bảo quyền lợi chính đáng của Nhân dân để người dân thực sự tin tưởng, phấn khởi giữa không gian phát triển mới, với tư duy mới, tạo giá trị mới.
Kim Liên