Là địa phương có số lượng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lớn, với nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh tiềm ẩn rủi ro, mất an toàn lao động, chính vì vậy, thời gian qua, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đảm bảo sức khỏe, an toàn cho người lao động.
Để hạn chế thấp nhất các vụ tai nạn lao động, tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo ngành chức năng, địa phương tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động vi phạm pháp luật lao động, các quy định về vệ sinh an toàn vệ sinh lao động, tạm dừng hoạt động với những doanh nghiệp không đảm bảo điều kiện an toàn cho người lao động.
Bên cạnh sự nỗ lực của các cấp, ngành, các doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động cần tăng cường rà soát, bổ sung nội quy, quy trình, biện pháp kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động và phòng, chống cháy, nổ tại các bộ phận, phân xưởng; tự kiểm tra, rà soát, đánh giá nguy cơ, rủi ro về an toàn vệ sinh lao động đối với máy móc, thiết bị, vật tư để chủ động kiểm soát phòng ngừa yếu tố nguy hiểm có hại.Người lao động cần tuân thủ đúng nội quy, quy trình làm việc; chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn; kiên quyết từ chối hoặc rời khỏi nơi làm việc nếu thấy rõ các nguy cơ, sự cố mất an toàn lao động.
Nguyễn Toàn