Cập nhật: 16/05/2024 15:05:00
Xem cỡ chữ

Sáng 16/5, tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức Hội nghị khảo sát, lấy ý kiến tham gia xây dựng Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Đồng chí Nguyễn Văn Mạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì Hội nghị.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Nguyễn Văn Mạnh phát biểu tại buổi làm việc.

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) gồm 9 chương, 102 điều, tăng 2 chương, 29 điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành. Góp ý kiến tham gia vào dự thảo luật, các đại biểu đều cho rằng việc sửa đổi luật là cần thiết bởi luật hiện hành đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập sau 23 năm đi vào cuộc sống.

Một số đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo luật nghiên cứu, có thêm điều khoản về các biện pháp bảo vệ, giữ gìn trang phục truyền thống của dân tộc Việt Nam; nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung những quy định liên quan đến trách nhiệm quản lý Nhà nước của UBND các cấp; vai trò, trách nhiệm của các tổ chức xã hội trong các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể.

Các quy định về các nguyên tắc quản lý, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể làm cơ sở định hướng, điều chỉnh các hoạt động quản lý, thực hành, bảo vệ các di sản văn hóa. Cùng với đó, có giải pháp bảo vệ các giá trị của tri thức dân gian; có quy định bắt buộc về bảo tồn, phát triển, gìn giữ tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số; có hướng dẫn cụ thể trong công tác quản lý di sản văn hóa. Nghiên cứu, có các quy định cụ thể về công tác quy hoạch, xếp hạng di tích lịch sử, các di sản văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Tăng cường phân cấp đầu tư, phân cấp quản lý, nhất là có cơ chế, chế tài quản lý tiền công đức tại các di sản.

Thay mặt Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Mạnh đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu. Đồng thời, cho biết các ý kiến góp ý đều sát thực tế, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tổng hợp, báo cáo Ban Thường vụ Quốc hội trong quá trình hoàn thiện Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Thu Hoài