Cập nhật: 21/05/2024 08:55:00
Xem cỡ chữ

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là chủ trương lớn của Đảng, nhận được sự đồng thuận cao của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Tuy nhiên, việc sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách sau sáp nhập đơn vị hành chính đang nhận được sự quan tâm của cán bộ, công chức và Nhân dân.

Trong giai đoạn 2023-2025, Vĩnh Phúc có 6 huyện, thành phố có đơn vị hành chính cấp xã phải sắp xếp, gồm các huyện Tam Dương, Yên Lạc, Vĩnh Tường, Sông Lô, Bình Xuyên và thành phố Phúc Yên. Toàn tỉnh thực hiện sắp xếp 28 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 16 xã, phường không bảo đảm tiêu chuẩn, không có yếu tố đặc thù sáp nhập với 12 xã, phường, thị trấn liền kề, để thành lập 13 đơn vị hành chính mới gồm: 9 xã, 1 phường, 3 thị trấn.

Sau sáp nhập, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ còn 121 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 88 xã, 15 phường, 18 thị trấn - giảm 15 đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay. Theo đó, các địa phương sau sắp xếp đơn vị hành chính sẽ dôi dư một số lượng đáng kể cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách.

Theo đánh giá của Sở Nội vụ tỉnh, khó khăn hiện nay là việc bố trí đội ngũ cán bộ cấp xã. Vì theo quy định trưởng các tổ chức chính trị - xã hội sau sắp xếp chỉ được bố trí 1 người, trong khi đó trưởng một số tổ chức chính trị - xã hội chưa bảo đảm điều kiện để sát hạch, tiếp nhận sang công chức theo quy định. Sở Nội vụ đang tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp nhằm giải quyết những khó khăn liên quan đến bố trí đội ngũ cán bộ cấp xã sau sáp nhập đơn vị hành chính.

Đến nay UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 và có tờ trình trình Chính phủ theo quy định. Vĩnh Phúc phấn đấu trong năm 2024 sẽ hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo quy định. Đồng thời hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, giải quyết chế độ, chính sách dôi dư, xử lý trụ sở, tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp.

Lưu Trường