Việc mời giảng viên của doanh nghiệp thỉnh giảng vấp phải qui định về bằng cấp đối với giảng viên đại học (giảng viên thỉnh giảng phải có bằng thạc sĩ khi dạy cho trình độ đại học, phải có bằng tiến sĩ khi dạy cho trình độ cao học) trong khi những người có kinh nghiệm thực tiễn tại các doanh nghiệp có thể không có trình độ như vậy.
Sáng nay (22/5), tại Trường ĐH Xây dựng Hà Nội, Bộ GD-ĐT tổ chức Diễn đàn thúc đẩy hợp tác nghiên cứu và đào tạo giữa doanh nghiệp FDI với các cơ sở giáo dục đại học.
Tham luận tại diễn đàn, PGS.TS. Lưu Bích Ngọc Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực (Bộ Giáo dục và Đào tạo, Việt Nam) cho rằng, ở Việt Nam thời gian qua, vấn đề hợp tác giữa đại học và doanh nghiệp vẫn chưa được các chủ thể nhìn nhận thấu đáo và triển khai thực hiện một cách phù hợp.
Một trong những minh chứng rõ nhất và dễ nhận thấy là sự mất cân đối nghiêm trọng về cung - cầu nhân lực chất lượng cao trong thị trường. Tính đến 31/3/2022, trong hơn 51,2 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc, tỷ lệ dân số có chuyên môn kỹ thuật chỉ đạt 26,1% và tỷ lệ dân số có trình độ đại học là 11,1% (GSO, 2022). Điều này cho thấy Việt Nam đang thiếu lao động có tay nghề cũng như công nhân kỹ thuật bậc cao. Nguồn cung nhân lực đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp được nhận định sẽ tiếp tục khan hiếm trong thời gian tới. Vì thế, các doanh nghiệp sẽ còn cần phải đào tạo lại nếu muốn có nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu. Chính vì vậy, các doanh nghiệp buộc phải liên kết, hợp tác với các cơ sở giáo dục đại học trong tìm kiếm nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao.
Theo PGS.TS Lưu Bích Ngọc, việc hợp tác giữa các doanh nghiệp FDI và nhà trường mang lại nhiều lợi ích về cả 2 phía, đôi bên cùng có lợi, tuy nhiên mối quan hệ này bị ảnh hưởng bởi rất nhiều rào cản cũng như những khó khăn trong việc duy trì hợp tác nghiên cứu từ cả hai.
PGS.TS Lưu Bích Ngọc dẫn chứng như đối với hình thức hợp tác trong đào tạo, việc mời giảng viên thỉnh giảng đến từ doanh nghiệp vấp phải qui định về bằng cấp, trình độ đối với giảng viên đại học (giảng viên thỉnh giảng phải có bằng thạc sĩ khi dạy cho trình độ đại học, phải có bằng tiến sĩ khi dạy cho trình độ cao học) trong khi những người có kinh nghiệm thực tiễn tại các doanh nghiệp có thể chia sẻ với sinh viên lại không có trình độ bằng cấp như vậy.
PGS.TS. Lưu Bích Ngọc, Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực (Bộ Giáo dục và Đào tạo, Việt Nam) (Ảnh: Trần Hiệp)
Kinh phí nếu dùng ngân sách theo quy định của Nhà nước cho 1 giờ giảng thường thấp. Các cơ sở giáo dục đại học thường phải sử dụng các nguồn kinh phí khác thay thế để có thể mời được người tới từ doanh nghiệp trong khi chi phí để mời được những đại diện doanh nghiệp lớn không phải là nhỏ.
Hiện vẫn cũng vẫn chưa có hành lang pháp lý, cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp và cơ sở đại học hợp tác theo nguyên tắc đôi bên cùng có lợi.
“Thực tế ở Việt Nam, thị trường lao động chưa phát triển, việc làm mà doanh nghiệp tạo ra thường nhỏ hơn so với nhu cầu và lượng nhân lực được đào tạo. Vì vậy các doanh nghiệp không khó khăn khi tuyển dụng dẫn đến doanh nghiệp không thấy được việc thúc đẩy hợp tác với nhà trường là cần thiết.
Nhiều cơ sở đào tạo chưa thiết lập được bộ phận chuyên trách về xúc tiến liên kết hợp tác với doanh nghiệp, đa số các cán bộ làm kiêm nhiệm, không được tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng và kinh nghiệm đàm phán, hợp tác.
Trình độ sinh viên (ngoại ngữ, kỹ năng) của nhiều trường chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp dẫn đến doanh nghiệp không thể cho phép sinh viên tham gia làm việc/thực tập tại doanh nghiệp”, PGS.TS Lưu Bích Ngọc chỉ rõ.
Bên cạnh đó, theo PGS.TS Lưu Bích Ngọc, nhiều trường chưa tổ chức được các nhóm nghiên cứu mạnh, các nhà khoa học và sinh viên chưa tiếp cận được với doanh nghiệp để có thể lắng nghe nhu cầu của doanh nghiệp trong nghiên cứu khoa học và nghiên cứu sản phẩm mới hoặc để có được những nghiên cứu đúng với nhu cầu của doanh nghiệp. Các khoa trong trường còn lúng túng, bị động trong việc thúc đẩy hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ do năng lực còn hạn chế. Mối quan hệ một chiều khá lớn: doanh nghiệp tìm đến nhà trường chứ nhà trường chưa có điều kiện để tiếp cận doanh nghiệp.
Về xây dựng chương trình đào tạo, mặc dù nhà trường có mời các doanh nghiệp tham gia, góp ý chỉnh sửa, hoàn thiện nội dung chương trình đào tạo qua các năm học, thậm chí có văn bản ký kết nhưng thực tế hoạt động này chưa thu hút được sự tâm huyết, quan tâm, sát sao của doanh nghiệp.
Các kết quả nghiên cứu mới chỉ được áp dụng chủ yếu tại các doanh nghiệp mà đề tài của nhà trường đăng ký thực nghiệm, chưa triển khai đến các doanh nghiệp khác đã ký kết hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ do các trường thường chưa có bộ phận xúc tiến thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học. Một số doanh nghiệp vì giữ bí quyết công nghệ, nên từ chối không cho các trường dẫn sinh viên tới tham quan, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm khiến kết quả của quá trình đào tạo và yêu cầu của doanh nghiệp luôn có khoảng cách.
Ngoài ra, việc đảm bảo các điều kiện cần thiết để duy trì, phát triển các mối quan hệ lâu dài với đối tác còn thiếu và yếu. Nguồn kinh phí cho hoạt động hợp tác phát triển nói chung và kinh phí đối ứng cho các hoạt động nghiên cứu, trao đổi còn rất eo hẹp và hạn chế.
Đa số doanh nghiệp Việt Nam là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhu cầu và qui mô hợp tác còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp chỉ nhắm đến lợi ích ngắn hạn, ít quan tâm đến tầm nhìn dài hạn. Theo góc nhìn của doanh nghiệp, các hoạt động hợp tác cần mang lại lợi ích. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chưa nhận thấy được lợi ích trước mắt khi hợp tác với trường đại học. Vì vậy, để hoạt động kết nối tốt cần có các hình thức tạo lợi ích cho các doanh nghiệp.
"Việc hợp tác với doanh nghiệp trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học đang được quan tâm thúc đẩy để tương xứng với tiềm năng của các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, các đơn đặt hàng của doanh nghiệp còn hạn chế, phần lớn là chuyển giao công nghệ đã hình thành và kết quả nghiên cứu của các đề tài. Nhiều doanh nghiệp vẫn còn phân biệt trường công và trường tư, thường ưu tiên trao học bổng và các hình thức tài trợ cho trường công nhiều hơn trường tư.
Việc liên kết hợp tác đào tạo cũng gặp nhiều khó khăn cũng một phần do các doanh nghiệp chưa hoạch định được kế hoạch nhu cầu sử dụng lao động và vị trí việc làm tại các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp họ chỉ thực hiện nhiệm vụ tuyển dụng và xem nhiệm vụ đào tạo là của các cơ sở giáo dục và xã hội.
Nhiều doanh nghiệp khi tuyển dụng đòi hỏi ứng viên phải có “kinh nghiệm”, nhưng với những sinh viên mới ra trường điều này là không thể, dù nhà trường tìm nhiều cách đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, thực hành - thực tập ở xưởng, tăng cường nghiên cứu khoa học qua các phong trào, hội thi nhằm trang bị cho sinh viên nhiều kỹ năng, kinh nghiệm trong ngành nghề", PGS.TS Lưu Bích Ngọc cho biết thêm.
Dựa vào kinh nghiệm quốc tế cũng như phân tích bối cảnh, thực trạng ở Việt Nam, PGS.TS Lưu Bích Ngọc cho rằng, để hỗ trợ thúc đẩy hợp tác giữa đại học và doanh nghiệp cần giải pháp chính sách cải thiện môi trường thông tin như xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, xây dựng và hoàn thiện hệ thống truy vết sinh viên tốt nghiệp; tạo cơ chế gắn kết giữa các hệ thống thông tin trên dưới sự quản lý và điều phối của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bên cạnh đó cũng cần hoàn thiện và tích cực tổ chức, triển khai thực hiện khung trình độ quốc gia; mở rộng các dự án tài trợ hiện có, thu hút các chương trình tài trợ đổi mới sáng tạo, khuyến khích các dự án nghiên cứu trên cơ sở hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp; thực hiện lập quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học giai đoạn mới với tầm nhìn chiến lược tới năm 2050.
Đặc biệt cũng cần xây dựng và ban hành các tài liệu hướng dẫn nâng cao năng lực quản trị của cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp; nâng cao năng lực của cả cơ sở giáo dục đại học và doanh ngiệp trong việc triển khai quan hệ đối tác công tư (PPP). Hoàn thiện các quy định về tổ chức và hoạt động của đại học tự chủ sáng nghiệp; mở rộng quyền tự chủ đại học về chuyên môn, tổ chức, nhân sự, tài chính, hợp tác trong nước và quốc tế đối với các cơ sở giáo dục đại học sáng nghiệp; ban hành các chính sách hỗ trợ tài chính và phi tài chính trong việc triển khai xây dựng các vườn ươm doanh nghiệp thông qua nhiều dự án khác nhau, bao gồm dự án đấu thầu, dự án ODA, dự án PPP...
Theo Nguyễn Trang/VOV.VN – 22/5/2024
https://vov.vn/xa-hoi/vuong-quy-dinh-ve-bang-cap-khi-moi-doanh-nghiep-thinh-giang-cho-sinh-vien-post1096788.vov