Cập nhật: 22/05/2024 15:14:00
Xem cỡ chữ

Bảo tồn, khắc phục đa dạng sinh học đang được Vườn Quốc gia Tam Đảo nỗ lực thực hiện nhằm bảo vệ thiên nhiên, làm giàu thêm cho hệ sinh thái của vườn. Nhiều nguồn gien quý hiếm, nguy cấp đã được Vườn nghiên cứu, bảo vệ và nhân giống thành công. Với chủ đề “Hãy là một phần của Kế hoạch đa dạng sinh học", Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học 22/5 năm nay đã nêu lên tầm quan trọng của các tổ chức, cá nhân trong việc bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam.

Phòng Tiêu bản của Vườn Quốc gia Tam Đảo là nơi trưng bày hàng trăm mẫu vật của các loài côn trùng, động thực vật có trong Vườn. Có những loài động vật chỉ có thể được tìm thấy tại Vườn Quốc gia Tam Đảo như loài Cua bay, bướm thần chết. Điều này cho thấy đa dạng sinh học tại đây rất phong phú.

Tại Vườn Quốc gia Tam Đảo, công tác tuần tra, kiểm soát, bảo vệ các loài động thực vật quý hiếm được lực thực hiện thường xuyên. Nhiều loài động vật quý hiếm đã được bảo vệ khỏi sự bẫy bắt của con người và được trả về với tự nhiên, đảm bảo sự cân bằng của môi trường sống.

Vườn Quốc gia Tam Đảo hiện tìm thấy 1.247 loài thực vật, 641 loài động vật. Trong đó có rất nhiều loài động thực vật quý hiếm và là đặc hữu tại Vườn như loài Cá cóc Tam Đảo, Trà hoa vàng Pêtêlô, Lan Kim tuyến, Lan Hài Tam Đảo... Tài nguyên động, thực vật tại Vườn Quốc gia Tam Đảo có giá trị nhiều mặt gồm giá trị bảo tồn, giá trị kinh tế và các giá trị khác như nguồn gen quý hiếm, đặc hữu.

Để bảo tồn và khắc phục những loài động thực vật quý hiếm, nhiều nguồn gen quý của các cây dược liệu đã được Vườn nghiên cứu, nhân giống, trong đó có những loài đang nằm trong sách đỏ của Việt Nam. Các loài này sau khi được bảo vệ, nhân giống sẽ được đưa trồng trở lại rừng.

Đặc biệt, Vườn Quốc gia Tam Đảo còn là nơi cứu hộ, nuôi dưỡng gần 200 con gấu được đưa từ khắp nơi trong cả nước về chăm sóc. Các con gấu này sẽ được sống trong môi trường bán hoang dã trước khi được trở lại với môi trường tự nhiên. Trước những giá trị quý báu của hệ sinh thái Vườn Quốc gia Tam Đảo, Vườn đã tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc chung tay bảo vệ hệ sinh thái mà tự nhiên đã ban tặng.

"Hãy là một phần của Kế hoạch đa dạng sinh học" là thông điệp được gửi đi trong Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm nay. Trong đó công tác bảo tồn, nuôi dưỡng và khắc phục những nguồn gen quý hiếm đang là những giải pháp then chốt để bảo vệ đa dạng sinh học, nhất là trong điều kiện đa dạng sinh học đang bị suy giảm tự nhiên như hiện nay.

Hà Giang