Nhằm đảm bảo môi trường làm việc an toàn, thân thiện cho người lao động, các các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc đã tăng cường quản lý về công tác an toàn vệ sinh lao động, thực hiện nghiêm các quy định về an toàn vệ sinh lao động, góp phần bảo vệ sức khỏe người lao động và ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các doanh nghiệp.
Toàn tỉnh hiện có hơn 256.000 lao động làm việc tại các doanh nghiệp. Trong đó, các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp sử dụng gần 132.000 lao động. Các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh cơ bản tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, thực hiện đầy đủ các chính sách phòng ngừa, khắc phục rủi ro tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
Để tạo môi trường làm việc an toàn cho người lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh đã đổi mới nội dung, đa dạng hình thức tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động; đồng thời tăng cường giáo dục, phổ biến kinh nghiệm, phương pháp và kỹ năng phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động, đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Để tăng cường quản lý công tác an toàn vệ sinh lao động, năm 2023, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về lao động, an toàn vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội tại 25 doanh nghiệp. Qua thanh tra, kiểm tra phát hiện một số doanh nghiệp và người lao động coi nhẹ công tác an toàn vệ sinh lao động như: không huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, không sử dụng đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân, chưa thực hiện nghiêm các quy trình và biện pháp làm việc an toàn, gây mất an toàn lao động hoặc ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành 19 kết luận, đưa ra 97 kiến nghị yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện nghiêm các quy định về an toàn vệ sinh lao động; ban hành 3 quyết định xử phạt vi phạm hành chính; đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền đối với 1 doanh nghiệp.
Để đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, chủ động phòng ngừa tai nạn lao động, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 31-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn vệ sinh lao động trong tình hình mới. Phấn đấu giảm tai nạn lao động, nhất là tai nạn lao động nghiêm trọng; số người lao động làm việc trong môi trường tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ được khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp tăng ít nhất 5%/năm.
Cấp ủy, chính quyền các cấp cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về an toàn vệ sinh lao động; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn vệ sinh lao động; nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về an toàn vệ sinh lao động; tăng cường nguồn lực cho công tác an toàn vệ sinh lao động.
Lưu Trường