Đại diện Bộ GD-ĐT khẳng định, căn cứ vào thực tế cũng như các quy định hiện hành, việc đặt mức "điểm sàn" chung để xét tuyển đại học cho toàn hệ thống là chưa có căn cứ chắc chắn và chưa đảm bảo tính khả thi để phát huy tác dụng trong thực tiễn.
Những năm gần đây, không ít trường đại học sử dụng phương thức xét tuyển học bạ với điểm chuẩn trúng tuyển chỉ từ 15-16 điểm, tức chỉ hơn 5 điểm/môn đã trúng tuyển đại học.
Điều này khiến một số chuyên gia, Đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại về chất lượng đầu vào và kiến nghị cần đặt mức "điểm sàn" nhất định để không tuyển những thí sinh quá kém vào học Đại học.
Trước băn khoăn, lo lắng này, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết, căn cứ Luật Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) xác định và công bố điểm sàn tuyển sinh cho các ngành đào tạo giáo viên và các ngành đào tạo sức khỏe có chứng chỉ hành nghề.
(Ảnh minh họa)
Đối với các cơ sở đào tạo, bà Thủy cho biết, điểm trúng tuyển đầu vào có sự khác nhau do lịch sử phát triển, thương hiệu, uy tín của mỗi trường là khác nhau, có phân cách.
Tuy nhiên nhìn chung điểm chuẩn chất lượng đầu vào các ngành/chương trình đào tạo của các trường đại học không dưới 15 điểm (nhóm ngành khó tuyển như các ngành nông lâm, ngư nghiệp…), và có ngành/trường trên 27 điểm (khối ngành sức khỏe, pháp luật, kinh tế - quản lý, quốc phòng an ninh…).
"Bên cạnh đó, trong nhiều năm qua, số lượng thí sinh tham gia xét tuyển và thực tế nhập học chỉ đạt khoảng 80% năng lực đào tạo của các cơ sở GD-ĐH trong toàn hệ thống. Các cơ sở đào tạo đã và đang phải cạnh tranh bằng chất lượng, bằng cơ hội việc làm của sinh viên tốt nghiệp. Nếu sinh viên tốt nghiệp không có việc làm tốt, không có cơ hội phát triển… thì các lứa thí sinh tiếp theo sẽ không lựa chọn ngôi trường đó để học tập", PGS.TS Nguyễn Thu Thủy chia sẻ.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, chất lượng điểm thi đầu vào chỉ là một yếu tố trong hàng loạt yếu tố đảm bảo chất lượng đào tạo sinh viên.
Để kiểm soát chất lượng đào tạo bậc đại học trong thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã có những chỉ đạo, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ, tăng cường triển khai tự chủ đại học đi kèm với trách nhiệm giải trình (trong đó có công tác tuyển sinh); tăng cường rà soát và yêu cầu nâng cao đối với các điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường, các ngành đào tạo; đề xuất chính sách ưu tiên đầu tư vào các trường đào tạo các nhóm ngành trọng điểm...
"Như vậy việc quy định mức sàn chung để xét tuyển đại học cho toàn hệ thống là chưa có căn cứ chắc chắc, cũng chưa đảm bảo tính khả thi để phát huy tác dụng trong thực tiễn", PGS.TS Nguyễn Thu Thủy khẳng định.
So với nhiều quốc gia trên thế giới, tỷ lệ học đại học ở Việt Nam còn thấp. Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, chúng ta đang đứng trước yêu cầu phải mở rộng quy mô đào tạo theo Quy hoạch tổng thể quốc gia.
"Về nguyên tắc, phần lớn những người tốt nghiệp THPT đều có khả năng học lên sau trung học. Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc tới năm 2030 cũng đã khẳng định cơ hội tiếp cận giáo dục đại học và kỹ thuật có chất lượng cho mọi người", bà Thủy nói.
Theo VOV2 - 12/06/2024
https://vov.vn/xa-hoi/dai-dien-bo-gd-dt-noi-gi-ve-de-xuat-dat-muc-diem-san-chung-xet-tuyen-dai-hoc-post1101056.vov