Cập nhật: 22/07/2024 07:42:00
Xem cỡ chữ

Cùng học, cùng gắn bó từ thủa hàn vi, trong ấn tượng của những người bạn cùng làng với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, dù khi là một cậu học sinh nghèo hay khi ở cương vị là người lãnh đạo đứng đầu Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn giản dị, gần gũi, tình cảm và rất chu đáo.

Những ngày này, từ đường to đến khắp các ngõ nhỏ của làng Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội đều đông người ra vào quét dọn, nhưng không khí trầm buồn, hễ có phóng viên hỏi đến tên Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người làng lại rưng rưng nước mắt.

Dù bận rộn, nhưng từ các cụ cao niên đến thanh niên trẻ ai cũng bỏ bớt việc nhà, dọn dẹp làng xóm sạch sẽ để đón nhân dân và các đoàn tới viếng lễ tang Tổng Bí thư.

Làng có việc lớn, lại là việc buồn, ông Tạ Sinh Kế (SN 1942 người cùng xã) từ sớm đã ra đình làng thắp hương. Là người làng, nhưng cũng là bạn học cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thủa nhỏ, ông Kế mắt đỏ hoe nói: “Dù biết sức của anh Trọng đã kém đi, nhưng khi biết tin anh mất, tôi cũng như nhiều người bạn, người dân quê hương đều rất đau xót. Nghe tin anh trên tivi, cả 2 vợ chồng tôi đều ngồi khóc. Biết rằng sinh lão bệnh tử là điều không thể tránh, nhưng anh đã làm việc, lo cho nhân dân đến từng hơi thở cuối cùng. Cuộc chiến chống tham nhũng của anh khiến người dân càng thêm tin yêu vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước”.

tong bi thu nguyen phu trong trong ky uc cua nhung ban hoc cung lang hinh anh 1

Cổng làng Lại Đà

Ngồi giữa sân đình làng Lại Đà, ông Kế kể, ở giai đoạn kháng chiến chống Pháp, chưa có trường lớp, sân đình chính là lớp học cho trẻ trong làng: “Tôi học cùng anh Trọng từ lớp 1 đến lớp 3, nhưng chúng tôi vẫn nhớ nhau mãi. Ấy là thời bao cấp, chủ yếu phải ăn độn sắn, khoai, ngô. Thời đó nhà anh Trọng cũng rất nghèo. Nhưng khi đi học, chúng tôi thương nhau lắm, nhường nhau từng miếng ăn. Từ thủa nhỏ, anh Trọng đã là người hiền lành, mẫu mực, khiêm tốn, nên ai cũng quý. Khi lớn lên, trưởng thành, anh ấy trở thành người của nhân dân và sống mãi trong lòng người dân. 

Tôi vẫn nhớ khi còn khỏe về thăm nhà, anh Trọng vẫn nói, nguyện vọng sau này được về với quê hương, nhưng dặn dò không được dành đất của dân để xây lăng mộ. Anh ấy vô sản, rất mẫu mực, thanh liêm, sống cả đời giản dị. Trước đây dù là lãnh đạo cấp cao, nhưng ngôi nhà anh ấy ở quê vẫn chỉ là nhà cấp 4, đơn sơ, thậm chí xuống cấp. Mãi mấy năm gần đây mới tu sửa lại để làm nhà thờ, nhưng cũng rất đơn giản, so ra còn đơn giản hơn nhiều nhà thờ khác trong làng trong xã”, ông Kế kể.

tong bi thu nguyen phu trong trong ky uc cua nhung ban hoc cung lang hinh anh 2

Ông Tạ Sinh Kế (bìa phải), ông Ngô Bá Dục (bìa trái) là 2 trong số những người bạn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ thủa nhỏ

Ông Kế kể tiếp, dù khi còn nhỏ hay khi ở cương vị của người đứng đầu lãnh đạo đất nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn luôn giản dị, gần gũi như thế: “Mỗi lần về làng, anh Trọng thường chỉ đi xe đến đầu làng, rồi tự đi bộ vào. Đi vào làng gặp ai anh cũng chào rất niềm nở. Là Tổng Bí thư, người đứng đầu Đảng, Nhà nước, nhưng khi về đến quê hương, chúng tôi lại chỉ thấy hình ảnh của một anh Trọng - người con làng Lại Đà năm xưa, vẫn chân chất, giản dị và gần gũi như bao người con xa quê khác về làng".

Là bạn thân học cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ cấp 1 đến hết cấp 3, ông Ngô Bá Dục (82 tuổi, làng Lại Đà, xã Đông Hội, Đông Anh, Hà Nội) rớm nước mắt kể: “Xưa ở làng có 3 anh em học chung với nhau lên tận cấp 3, nay anh Trọng mất, một anh nữa cũng đang nằm viện. Nghe tin anh mất, tôi đau đớn, nhưng đây cũng là quy luật không thể tránh khỏi”.

Học cùng với nhau từ cấp 1 lên cấp 3, sau này khi lên đại học, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng theo học Trường Đại học Tổng hợp (nay là ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn -ĐHQGHN), còn ông Dục theo học ngành sư phạm. Dù hướng đi khác nhau, nhưng 2 người vẫn giữ mối quan hệ khăng khít.

tong bi thu nguyen phu trong trong ky uc cua nhung ban hoc cung lang hinh anh 3

Hai người bạn thân thiết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Ngô Bá Dục, Hoàng Văn Tài (Lớp B Nguyễn Gia Thiều 1960-1963). Ông Ngô Bá Dục sau này là hiệu trưởng trường THPT Cổ Loa, Đông Anh (Ảnh tư liệu THPT Nguyễn Gia Thiều)

Nhớ lại những năm tháng học xa nhà ở Trường cấp 3 Nguyễn Gia Thiều (Gia Lâm, Hà Nội), ông Dục lại bồi hồi như được trở về những năm tháng tuổi trẻ: “Khi ấy anh em tôi thuê trọ ở nhà dân để ở rồi đi học. Ngày đó gia đình khó khăn, mỗi tháng chỉ cho 15 đấu gạo, còn lại tiền tiêu phải tự lo. Anh em tôi vẫn thường học buổi sáng, buổi chiều xong lại vào Khu công nghiệp Đức Giang dạy bổ túc cho công nhân để kiếm thêm tiền. Tôi và anh Trọng mỗi người dạy 1 lớp, mỗi buổi cũng chỉ kiếm được 7 hào. Có những ngày chúng tôi phải bơi ra bãi sông Hồng vớt củi về phơi khô để đun nấu”.

tong bi thu nguyen phu trong trong ky uc cua nhung ban hoc cung lang hinh anh 4

Bí thư Chi đoàn, Lớp trưởng 9B, 10B Nguyễn Phú Trọng (1961-1963) (Ảnh tư liệu Trường THPT Nguyễn Gia Thiều)

Ở tuổi ngoài bát tuần, nhưng ông Dục vẫn nhớ như in hình ảnh cậu bạn Nguyễn Phú Trọng ngày ấy vì khó khăn nên đi học vẫn thường mặc “quần cá rô đớp gấu” sờn, rách hết ống. Dù khó khăn là thế, nhưng vẫn luôn nỗ lực hết sức để đạt được ước mơ của mình.

“Sau này khi giữ các chức vụ quan trọng, nhưng trong các buổi gặp mặt, họp lớp, hay chia tay thầy cô, anh Trọng đều có mặt. Năm 2000, mẹ tôi mất, Tổng Bí thư cũng về tận nơi thăm viếng, chia buồn cùng gia đình. Dù ở những cương vị rất cao, nhưng mỗi lần về quê, gặp bạn bè, làng xóm, anh Trọng vẫn giữ nguyên nét giản dị, mộc mạc và rất tình cảm”, ông Dục nói.

Những câu chuyện về thời niên thiếu vượt khó học tập của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn được lưu giữ tại Trường THPT Nguyễn Gia Thiều ngày nay. 

tong bi thu nguyen phu trong trong ky uc cua nhung ban hoc cung lang hinh anh 5

Lớp 9B cấp 3 Nguyễn Gia Thiều trong phòng học (1962) (Ảnh tư liệu Trường THPT Nguyễn Gia Thiều)

NGƯT Đặng Đình Đại, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, đồng thời cũng là cựu học sinh của Trường, học sau Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng 4 khóa kể, sau 12 năm dạy học ở Hà Quảng, Hòa An (Cao Bằng) và Đông Anh (Hà Nội) rồi được chuyển về Trường cấp 3 Nguyễn Gia Thiều. Ông trở thành giáo viên rồi cán bộ quản lý của ngôi trường khi xưa mình là học trò và cho đến nay trong 12 hiệu trưởng của trường là người duy nhất trưởng thành từ học sinh Trường cấp 3 Nguyễn Gia Thiều. Trong suốt 28 năm làm nhà giáo tại THPT Nguyễn Gia Thiều và được phân công phụ trách phòng truyền thống của trường và tổ chức các lễ kỷ niệm 30 năm, 45 năm, 50 năm, 55 năm, 60 năm thành lập trường vì vậy được gặp gỡ rất nhiều thế hệ giáo viên, nhân viên, học sinh; được xem nhiều hình ảnh, tư liệu của trường, ông vẫn nhớ nhiều câu chuyện về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. 

Một trong những câu chuyện mà NGƯT Đặng Đình Đại kể lại là “Vì sao Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng quê ở Đông Anh nhưng lại đi học 6 năm tại Trường Nguyễn Gia Thiều ở Gia Lâm (1957-1963)”?

“Lúc đó gần Lại Đà (quê Tổng Bí thư  Nguyễn Phú Trọng) không có trường trung học. Trường Trung học Nguyễn Gia Thiều ở thị trấn Gia Lâm là trường gần nhất đón nhận học sinh từ lớp 5 đến lớp 7 vì vậy ngoài học sinh ở Gia Lâm, nhiều học sinh từ Đông Anh, Bắc Ninh, Hưng Yên đã theo học tại đây. 

Đến năm 1958 Trường Nguyễn Gia Thiều thành trường Phổ thông cấp 2, 3 vì có thêm lớp 8 và 9 (thêm học sinh được chuyển từ Khu Hoàn Kiếm và Ba Đình sang). Đến tháng 9/1960 trường chính thức trở thành Trường Phổ thông cấp 3 Nguyễn Gia Thiều, các lớp cấp 2 chuyển thành Trường Phổ thông cấp 2 Gia Lâm. 

Như vậy Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã học 3 năm cấp 2 (1957-1960) và 3 năm cấp 3 (lớp 8B, 9B, 10B 1960-1963) tại trường Nguyễn Gia Thiều. Theo Ông và các bạn đồng khóa kể lại đó là những ngày tháng vượt mọi khó khăn, thiếu thốn để quyết tâm học tốt. Từ nhà Ông đến trường rất xa và chỉ có thể đi bộ từ thôn Lại Đà đến bến đò Đông Trù để sang Bắc Cầu, Ngọc Thụy, Gia Lâm rồi lại đi bộ theo đê sông Hồng để vào thị trấn Gia Lâm tới trường Nguyễn Gia Thiều.

Đường xa nên Ông và các bạn đã trọ học tại nhà dân quanh khu vực trường để thêm thời gian học. Những năm đó đời sống nhân dân rất khó khăn thiếu thốn nhất là vùng nông thôn vì thế cuộc sống của học sinh trọ học lại càng vất vả. Trong hoàn cảnh như vậy nhưng Ông vẫn vươn lên đạt kết quả tốt trong học tập và được tập thể tín nhiệm bầu làm lớp trưởng rồi bí thư chi đoàn. Thầy giáo Lê Đức Giảng chủ nhiệm lớp 9B khi trò chuyện với tôi đã nói "Anh Trọng khi đi học đã là người học sinh gương mẫu trong học tập cũng như trong công tác lớp, chi đoàn và được bạn bè yêu mến. Anh Trọng là người học trò đã để lại cho tôi những ấn tượng rất đẹp về lứa học sinh đầu tiên của trường cấp 3 Nguyễn Gia Thiều"”, NGƯT Đặng Đình Đại kể. 

Lại tiếp câu chuyện thứ 2 về người tiền bối khóa trên - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, NGƯT Đặng Đình Đại kể, trong 10 năm bậc học phổ thông, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có hẳn 6 năm gắn bó với trường Nguyễn Gia Thiều vì vậy có rất nhiều cảm xúc trong năm học cuối cùng. 

Tổng Bí thư đã viết một số bài thơ trong thuở học trò nhưng đây là 3 bài tâm đắc nhất trong năm học cuối cùng tại trường (1962-1963). Mấy chục năm sau Tổng Bí thư đã tự tay chép lại để tặng nhà trường, các thầy cô, bạn đồng khóa, đồng môn. 

Bài thứ nhất: "Năm cuối cùng của đời học phổ thông" được viết tháng 9/1962 trong dịp khai giảng năm học 1962-1963. Bài này khá nổi tiếng vì tháng 11/2020 khi về Trường THPT Nguyễn Gia Thiều dự lễ kỷ niệm thành lập trường, Tổng Bí thư - Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã trích đọc bài thơ trong phát biểu chúc mừng trường.

Bài thứ hai: "Mùa hoa phượng" viết trong những ngày cuối năm học 1962-1963 và đăng trên bích báo (báo tường) cũng mang tên “Mùa hoa phượng” của lớp 10B. Sau đó bích báo dự thi đạt giải thưởng của trường.

tong bi thu nguyen phu trong trong ky uc cua nhung ban hoc cung lang hinh anh 6

Ảnh chụp 3 bài thơ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (Ảnh: Tư liệu Trường THPT Nguyễn Gia Thiều)

Bài thứ ba: "Nhớ trường" viết tháng 11/1963 sau khi ra trường vài tháng và như Tổng Bí thư ghi chú "trong một đêm trăng da diết nỗi nhớ". Cuối khổ thơ thứ 2 là câu " Xa mái trường và xa dãy phi lao". Trong những lần về thăm trường Tổng Bí thư đều nhắc kỷ niệm về những dãy phi lao trong sân trường (Dãy phi lao đã bị chặt vào đầu thập niên 1980 và thay bằng hàng cây xà cừ).

Ngày nay, những câu chuyện, hình ảnh về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn được Trường THPT Nguyễn Gia Thiều lưu giữ cẩn thận và kể lại với các thế hệ học trò để truyền lửa và giáo dục các em về lý tưởng sống, cách sống.

Theo Nguyễn Trang/VOV.VN

https://vov.vn/xa-hoi/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-trong-ky-uc-cua-nhung-ban-hoc-cung-lang-post1109220.vov