Cập nhật: 25/07/2024 21:52:00
Xem cỡ chữ

Nhiều năm trước đây, khi bước vào mùa mưa bão, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc nói chung, thành phố Vĩnh Yên nói riêng thường xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của Nhân dân.

Nhiều năm trước đây, tại một số điểm trên tuyến Quốc lộ 2 A như: khu vực gần Siêu thị Go, khu vực Đăng kiểm xe cơ giới đường bộ Vĩnh Phúc; đường Tôn Đức Thắng, khu vực Quảng trường Hồ Chí Minh tỉnh; khu vực Đô thị Chùa Hà Tiên thường xuyên ngập úng cục bộ; lượng nước tiêu thoát chậm đã gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt của Nhân dân. Lượng nước trên các tuyến đường dâng cao tràn cả vào nhà dân; nhiều phương tiện tham gia giao thông, thậm chí cả ô tô bị chết máy giữa đường gây hư hỏng nặng. Theo đại diện điện cơ quan quản lý đô thị thành phố Vĩnh Yên, tình trạng trên có rất nhiều nguyên nhân. Bên cạnh nguyên nhân khách quan, có một phần do chính các cư dân sinh sống trên địa bàn thành phố

Trước thực trạng trên, chính quyền thành phố đã triển khai nhiều giải pháp như: thay thế hệ thống ống cống cỡ lớn tại các điểm thường xuyên ngập úng, nâng cấp mặt đường; lắp đặt trạm bơm tiêu úng. Các giải pháp của chính quyền thành phố đưa ra cơ bản đã giải quyết được phần ngọn của tình trạng ngập úng. Xung quanh địa bàn thành phố có rất nhiều các con sông lớn, lượng nước sau mỗi trận mưa đổ về rất lớn. Điều này phần nào làm chậm quá trình tiêu thoát nước trên địa bàn thành phố. Để giải quyết dứt điểm nạn ngập lụt, tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai Dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc với tổng vốn đầu tư khoảng hơn 4.000 tỷ đồng bao gồm nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) và nguồn đối ứng của tỉnh Vĩnh Phúc. Cho đến nay tất cả các trạm bơm điều tiết sông Cầu Bòn, khu vực Bình Xuyên, Trạm điều tiết Vĩnh Sơn, Lac Ý điều tiết lũ trên sông Phan đổ về thành phố Vĩnh Yên và 3 trạm bơm tiêu Kim Xá, Ngũ Kiên và Nguyệt Đức cơ bản đã hoàn thành đi vào hoạt động.

Liên tục trong những ngày vừa qua trên địa bàn tỉnh có mưa lớn, lượng nước trên các sông từ thượng nguồn đổ về khu vực trên địa bàn tỉnh cũng nhiều, song tại các khu vực thường xuyên xảy ra tình trạng ngập úng trước đây đã không còn.

Dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc triển khai với kỳ vọng đạt nhiều mục tiêu như: kiểm soát lũ lụt tại lưu vực trung tâm tỉnh; ngăn chặn sự suy thoái nhanh chóng của chất lượng nước mặt; nâng cao năng lực tích trữ nguồn nước; cải thiện môi trường nước; quan trắc nguồn nước và chất lượng nước... hướng đến xây dựng môi trường nước bền vững. Một trong những giải pháp chống ngập lụt của Dự án là xây dựng các trạm bơm điều tiết, trạm bơm tiêu công suất lớn tại các khu vực vùng trũng, đảm bảo năng lực đón lũ từ khu vực thượng nguồn đổ về, làm chậm lũ trên các sông và không để xảy ra ngập úng cục bộ kéo dài.

Lỗ Hiếu