Cập nhật: 09/08/2024 08:15:00
Xem cỡ chữ

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), trong gần 400 ngành đào tạo, chia thành 24 lĩnh vực thì 4 lĩnh vực thu hút nhiều thí sinh, nhất là kinh doanh và quản lý, kỹ thuật và công nghệ, máy tính, sư phạm.

 

Thí sinh và phụ huynh tìm hiểu thông tin tuyển sinh tại Ngày hội “Lựa chọn nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng” năm 2024. (Nguồn: Thúy Quỳnh)

Thí sinh và phụ huynh tìm hiểu thông tin tuyển sinh tại Ngày hội “Lựa chọn nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng” năm 2024. (Nguồn: Thúy Quỳnh)

Những ngành hút thí sinh

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn thông tin, năm nay có hơn 1 triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT. Tính đến thời điểm khóa cổng đăng ký xét tuyển trực tuyến (17 giờ ngày 30/7), Hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT (Hệ thống) ghi nhận hơn 733.000 thí sinh đã nhập nguyện vọng đăng ký xét tuyển, tương đương 68,5% so với số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Hai năm trước, tỷ lệ này khoảng 64 - 66%.

Số liệu trên cho thấy, nhu cầu học tập đại học của học sinh sau khi tốt nghiệp THPT khá cao. Tỷ lệ này cũng liên quan đến thị trường lao động, việc làm khi mà nhu cầu nhân lực trình độ cao của xã hội ngày càng cao. Điều này phù hợp với xu hướng phát triển về kinh tế - xã hội của đất nước.

Trước câu hỏi của phóng viên về việc thí sinh đăng ký nhiều nhất vào nhóm ngành nào; liệu thí sinh có đăng ký nhiều vào các ngành STEM, khoa học kỹ thuật, công nghệ, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho hay, việc lựa chọn ngành học của học sinh được tư vấn rất kỹ về đặc điểm, cơ hội nghề nghiệp cũng như thông tin về thị trường lao động cũng rất sát. Vì vậy, xu hướng lựa chọn ngành học, lĩnh vực đào tạo phản ánh thông qua tỉ lệ nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí sinh.

Cũng như mọi năm, năm 2024 có khoảng gần 400 ngành đào tạo, chia thành 24 lĩnh vực. Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, có những lĩnh vực rất nhiều ngành và nhu cầu thực tế lớn nên nếu so sánh con số tuyệt đối hay cơ cấu giữa các lĩnh vực thì đôi khi có những đánh giá chưa hoàn toàn đúng.

Lĩnh vực có nhiều thí sinh đăng ký nhất là kinh doanh và quản lý, sau đó là kỹ thuật và công nghệ. Lĩnh vực về STEM như: máy tính, công nghệ thông tin cũng có khá nhiều thí sinh đăng ký. Cùng với đó, năm nay, khối khoa học giáo dục đào tạo giáo viên, có số lượng thí sinh đăng ký rất đông, tăng 85% so với 2023. Tính về số lượng tuyệt đối, lĩnh vực này cũng tăng mạnh nhất, tăng là 200.000 nguyện vọng so với năm 2023. Do đó, dự báo điểm chuẩn ngành này sẽ tăng.

Tiếp đến, lĩnh vực Khoa học tự nhiên có số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển tăng 61%. Lĩnh vực An ninh - quốc phòng tăng 46,5%. Đồng thời, cũng có một số lĩnh vực giảm như: kinh doanh quản lý giảm 3%; máy tính và công nghệ thông tin giảm khoảng 5%, tương đương 15.000 nguyện vọng.

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, điều đó cho thấy, thí sinh rất nhạy bén và nắm bắt được xu hướng phát triển. Đây là những tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, để có những số liệu chính xác hơn, còn phụ thuộc vào kết quả xét tuyển đào tạo, khi mà thí sinh xác nhận nhập học và đi học.

Lý giải việc tăng số thí sinh xét tuyển đại học

Năm 2024 là năm cuối cùng thí sinh thi tốt nghiệp THPT theo chương trình 2016, TS Lê Đông Phương - nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giáo dục Đại học, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nhận xét, ba năm gần đây và số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học tương đối ổn định. Tuy nhiên, năm nay số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học có tăng hơn năm trước khoảng 10%.

Điều này dường như xuất phát từ việc đây là kỳ thi chính thức cuối cùng theo chương trình 2006 trước khi đổi sang thi tốt nghiệp dựa trên chương trình 2018. Như vậy, một số học sinh 12 và cả thí sinh tự do đã chọn cách an toàn là xét tuyển trong năm nay, tránh phải thi theo chương trình 2018 nếu những năm sau mới chọn đi học đại học.

Mặc dù Bộ GD&ĐT đã khẳng định thí sinh không trúng tuyển năm nay có thể thi năm sau theo chương trình 2006, nhưng phụ huynh và thí sinh vẫn lựa chọn để ổn định ngay từ kỳ thi năm nay.

Theo TS Lê Đông Phương, câu chuyện gia tăng số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học còn phản ánh nguyện vọng của số đông học sinh lớp 12 muốn được tiếp tục con đường học vấn bằng cách vào học đại học. Đây là một nguyện vọng rất chính đáng của các em học sinh THPT cũng như của cả xã hội.

Về số lượng thí sinh đăng ký vào các ngành thuộc lĩnh vực STEM chiếm 30%, số thí sinh đăng ký ngành Quản trị kinh doanh có xu hướng giảm trong khi đó những ngành như Khoa học tự nhiên và giáo dục lại có chiều hướng tăng, TS Lê Đông Phương cho rằng, thí sinh đã có những cân nhắc và đưa ra quyết định đúng đắn hơn.

Các chương trình trong nhóm ngành được học sinh ưa chuộng như QTKD, kinh tế, tài chính trong mấy năm gần đây có điểm chuẩn khá cao, học phí cũng thường cao hơn mà cơ hội làm việc không rõ ràng dẫn đến thí sinh cân nhắc kỹ hơn.

Bên cạnh đó, nhu cầu của xã hội về các chương trình đào tạo giáo viên hay khoa học công nghệ đang tăng đã giúp một bộ phận thí sinh thay đổi/điều chỉnh lựa chọn của mình. Đây là tín hiệu tốt, cho thấy học sinh và phụ huynh đã có những cân nhắc kỹ càng hơn về ngành học.

Tuy nhiên, TS Lê Đông Phương cũng nhìn nhận, sự gia tăng thí sinh đăng ký vào các chương trình đào tạo giáo viên cũng cho thấy còn nhiều thí sinh vì hoàn cảnh kinh tế của gia đình, đang muốn chọn nhóm ngành đào tạo giáo viên được Nhà nước hỗ trợ.

Song thực tế, nhiều em (và cả phụ huynh) chưa hiểu rõ sự hỗ trợ này chỉ là khoản tín dụng ứng trước cho các em, sau này nếu được làm giáo viên thì sẽ được xóa nợ, còn không các em sẽ có nghĩa vụ trả lại các khoản kinh phí hỗ trợ đã nhận. Trong bối cảnh cắt giảm biên chế hiện nay, học sinh và phụ huynh nên cân nhắc kỹ càng điều này.

Theo Hương Lý/VOV-Tây Nguyên  

 https://vov.vn/xa-hoi/12-truong-cong-lap-o-dak-lak-se-to-chuc-thi-tuyen-vao-lop-10-post1086946.vov