Cập nhật: 24/08/2024 20:36:00
Xem cỡ chữ

Với tinh thần chủ động vượt khó, cộng với sự đồng hành của các cấp, các ngành trong việc tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn nên tình hình xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn giữ được mức tăng trưởng, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc trong năm 2024.

Do ảnh hưởng địa chính trị, kinh tế thế giới nên 8 tháng năm 2024, hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty Cổ phần Thương mai Tổng hợp Vĩnh Thịnh đóng trên địa bàn huyện Tam Dương giảm sút 10% đơn hàng xuất khẩu sang các thị trường Châu Âu. Trong bối cảnh khó khăn nhưng công ty vẫn duy trì việc làm và thu nhập ổn định cho trên 2 nghìn người lao động với đầy đủ các chế độ theo quy định của pháp luật. Còn đối với Công ty TNHH Sản xuất hàng may mặc TAL Việt Nam đóng trên địa bàn huyện Bình Xuyên, mặc dù đơn hàng có bị sụt giảm đôi chút so với cùng kỳ năm 2023 nhưng trên 5 nghìn lao động của công ty chưa ai phải nghỉ việc hoặc cắt các chế độ lương thưởng.

Để đạt được mục tiêu xuất khẩu và duy trì mức tăng trưởng năm 2024, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đang tích cực chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó chú trọng đến công tác tự động hóa để giảm chi phí trong sản xuất, thích ứng với môi trường xanh phát triển bền vững; chủ động tìm kiếm các thị trường tiềm năng để xuất khẩu.Theo báo cáo của Chi cục Hải quan tỉnh, 8 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 9.600 triệu USD, tăng 47,5% so với cùng kỳ năm ngoái; kim ngạch nhập khẩu ước đạt trên 8.420 triệu USD, tăng 25,88% so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm hàng điện tử và linh kiện điện tử trở thành nhóm hàng xuất nhập khẩu chủ lực với tỷ trọng lớn nhất; thị trường trọng điểm là các nước EU, ASEAN, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga và Hoa Kỳ.

Nguyễn Toàn