Cập nhật: 10/09/2024 21:35:00
Xem cỡ chữ

Thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt luôn là bài toán khó đối với cấp ủy chính quyền địa phương. Lượng rác Nhân dân thải ra mỗi ngày một gia tăng, gây áp lực cho công tác xử lý, bảo vệ môi trường; nhất là đối với các địa phương xây dựng đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao thì tiêu chí môi trường là một trong những vấn đề trở ngại lớn nhất. Tại xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, Nhân dân thôn Thanh Lanh đã có sáng kiến làm kệ rác, mang lại hiệu quả rất lớn.

Trước đây, rác thải sinh hoạt hằng ngày được Nhân dân cho vào túi để ở khu vực trước cổng hay đầu ngõ và chờ nhân viên hợp tác xã môi trường đến thu gom. Tuy nhiên, mỗi tuần chỉ có 2 ngày, rác được thu gom. Điều này đã làm nảy sinh nhiều bất cập, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân và hệ sinh thái khu dân cư.

Trước thực trạng trên, người dân thôn Thanh Lanh đã có sáng kiến làm kệ rác. Hằng ngày, rác thải sinh hoạt đều có thể mang ra để trên kệ, không phải chờ đợi 2, 3 ngày, không phải đốt như trước. Tổng chi phí làm kệ rác chỉ vài trăm nghìn và do Nhân dân tự nguyện đóng góp, 5-6 gia đình cùng để rác chung 1 kệ. Toàn thôn Thanh Lanh hiện có trên 40 kệ rác. Tất cả các đường ngõ, đường liên thôn đều có kệ rác và được đặt ở nơi thuận tiện cho việc thu gom.Từ ngày có kệ rác, môi trường trong thôn được đảm bảo, ý thức trách nhiệm của Nhân dân trong công tác bảo vệ môi trường cũng được nâng lên, đường làng, ngõ xóm luôn sạch đẹp.

Xã Trung Mỹ đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong năm 2025. Sáng kiến cũng như sự chung tay góp sức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường đã giúp chính quyền địa phương từng bước giải được bài toán tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Rác thải sinh hoạt nếu không được thu gom, xử lý đúng cách sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường môi trường sống của chính con người. Những gì chúng ta nhìn thấy ảnh hưởng của rác là rất nhỏ. Về lâu dài, rác thải chưa được phân loại, xử lý không đúng cách có nguy hại đa dạng sinh thái tự nhiên.

Vĩnh Phúc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3

Bão số 3 đã chính thức đi qua nhưng hậu quả của nó để lại là rất lớn, nhất là đối với hệ thống cây xanh, cột điện, mái nhà các công trình. Các cấp, các ngành đã chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng chống, song trước sức mạnh của bão, thiệt hại là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh, bão số 3 không gây thiệt hại về người. Công tác khắc phục hậu quả và vệ sinh môi trường sau bão đã được triển khai nhanh chóng, đảm bảo ổn định đời sống Nhân dân và sinh hoạt bình thường trở lại.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, bão số 3 đã làm 100 nhà ở, 10 điểm trường bị tốc mái, hư hại; 6.000 ha lúa và 456 ha hoa màu bị ảnh hưởng; 4000 cây xanh gãy đổ. Bão số 3 làm 16 trạm điện hạ thế hư hỏng, gãy hỏng 72 cột điện điện hạ thế. Một số tuyến đường, ngầm tràn bị ngập. Tổng thiệt hại ước tính trên 20 tỷ đồng.

Ngay sau khi bão đi qua, đồng chí Dương Văn An, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và đồng chí Trần Duy Đông, Phó Bí thư Tỉnh ủy , Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã chủ trì buổi làm việc với các sở, ngành, địa phương trong tỉnh về công tác ứng phó và khắc phục hậu quả bão số 3.

Phát biểu chỉ đạo, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An yêu cầu các sở, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quán triệt nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Tỉnh ủy và UBND tỉnh để chủ động ứng phó và khắc phục thiệt hại bão số 3 với nỗ lực quyết tâm cao nhất, đặc biệt không chủ quan, lơ là trong mọi tình huống; đề phòng những tình huống đột xuất, bất ngờ có thể xảy ra, nhất là hoàn lưu bão gây mưa, mực nước các sông dâng ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân và sản xuất nông nghiệp.

Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, các cơ quan liên quan chỉ đạo các lực lượng dọn dẹp cây xanh, cột điện đổ ngã để đảm bảo an toàn giao thông; có biện pháp cắt cây, tỉa cành để vừa bảo vệ cây xanh giữ gìn môi trường sống trong lành đồng thời đảm bảo an toàn, tính mạng Nhân dân trong mùa mưa bão.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh cũng đã trực tiếp đi kiểm tra các địa phương khắc phục hậu quả sau bão số 3. Đến kiểm tra công tác khắc phục hậu quả sạt lở đất và cây gãy đổ tại Km20 +800 quốc lộ 2B lên thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông ghi nhận sự cố gắng của các lực lượng trong phân luồng giao thông và đề nghị huyện Tam Đảo chỉ đạo các lực lượng nhanh chóng khắc phục sạt lở đất, cây gãy đổ để đảm bảo an toàn giao thông, đồng thời theo dõi sát tình hình mưa lũ để có giải pháp ứng phó với hoàn lưu bão số 3.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông lưu ý bão số 3 đã đi qua Vĩnh Phúc, nhưng hoàn lưu bão số 3 sẽ gây mưa lớn, gây ngập úng vùng trũng thấp, lũ quét, sạt lở đất vùng núi, vì vậy các cấp, các ngành, các địa phương không chủ quan, lơ là phải tập trung ứng phó thật tốt theo phương châm 4 tại chỗ sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhân dân.

Lỗ Hiếu