Với quan điểm xuyên suốt qua các nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc từ khi tái lập tỉnh Vĩnh Phúc đến nay, xác định mục tiêu lấy phát triển công nghiệp làm nền tảng, khâu đột phá, động lực cho sự phát triển đã đưa Vĩnh Phúc từ một tỉnh thuần nông, phải trợ cấp ngân sách từ Trung ương đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành tỉnh có giá trị sản xuất công nghiệp lớn, trung tâm sản xuất ô tô, xe máy của cả nước và là một trong các địa phương có đóng góp cho ngân sách Trung ương.
Từ thực tiễn sau 27 năm tái lập, phát triển bền vững Khu công nghiệp là giải pháp quan trọng để Vĩnh Phúc tiếp tục bứt phá, hiện thực hoá mục tiêu xây dựng Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn nhất của cả nước.
Từ chỗ chỉ có 1 Khu công nghiệp với 8 dự án FDI, 1 dự án DDI, đến nay toàn tỉnh đã có 29 Khu công nghiệp được quy hoạch, 17 Khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích trên 3.100ha, trong đó có 09 Khu công nghiệp đã đi vào hoạt động. Vĩnh Phúc có 473 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 8,3 tỷ USD và 841 dự án DDI với tổng vốn đầu tư trên 142.000 tỷ đồng.
“Các nhà đầu tư ở Vĩnh Phúc là công dân của Vĩnh Phúc, thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh”. Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm, chăm lo, hỗ trợ doanh nghiệp, thông qua việc ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp.
Trong giai đoạn khó khăn do đại dịch Covid-19, Vĩnh Phúc đã linh hoạt cơ chế, chính sách hỗ trợ chỗ ở cho các chuyên gia, giữ vững vùng xanh doanh nghiệp, tạo thuận lợi trong việc lưu thông, không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, giúp doanh nghiệp hoạt động ổn định, phát triển trong bối cảnh dịch bệnh.
Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc và Khu công nghiệp Bá Thiện II là những Khu công nghiệp kiểu mẫu của Vĩnh Phúc, đạt tỷ lệ lấp đầy trên 98%, chủ yếu là các nhà đầu tư thứ cấp với các lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, cơ khí chính xác, phụ trợ cho công nghiệp ô tô, xe máy; chế tạo và sản xuất xe máy phân khối lớn, xe máy điện.
Với cách đi đúng, bước đi thích hợp để khai thác tiềm năng, lợi thế gần sân bay quốc tế Nội Bài, về giao thông kết nối liên vùng đã thu hút được nhiều các nhà đầu tư thứ cấp vào các Khu công nghiệp, song suất đầu tư không lớn; chưa thu hút được nhiều dự án đầu tư công nghệ cao; vấn đề xử lý nước thải trong các Khu công nghiệp chưa được giải quyết triệt để; nhà ở cho công nhân lao động và việc đào tạo nguồn lao động chất lượng cao chưa đáp ứng được nhu cầu.
Cùng với các chính sách vĩ mô, các nút thắt, điểm nghẽn về xác định giá đất, giải phóng mặt bằng, tái định cư, nguồn cung vật liệu đất san lấp triển khai các dự án cũng cần sớm được tháo gỡ.
Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xác định mục tiêu xây dựng Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn nhất của cả nước.
Vĩnh Phúc phải tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phát triển bền vững các khu công nghiệp và định vị lại tiêu chí thu hút các nhà đầu tư thứ cấp phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển công nghiệp bền vững của Vĩnh Phúc.
Văn Hải - Thùy Linh