Cập nhật: 10/10/2024 14:03:00
Xem cỡ chữ

Nhận thức rõ vai trò của rừng đối với đời sống con người, những năm gần đây, các hộ dân nhận giao khoán rừng đã dần chuyển đổi sang trồng cây gỗ lớn để nâng cao độ che phủ của rừng, bảo vệ đất trước sự sói mòn cũng như bảo vệ nguồn nước ngầm.

Trước đây khu đất đồi xã Minh Quang, huyện Tam Đảo được các hộ dân nhận khoán trồng chủ yếu là cây bạch đàn. Loại cây này chỉ sau 5 đến 7 năm là cho khai thác. Tuy nhiên, qua một số vụ trồng bạch đàn cho thấy, loại cây gỗ này nhanh cho thu hoạch nhưng lợi nhuận không cao, lại khiến đất đai bị sói mòn, khô cứng. Do vậy, các hộ dân nhận giao khoán trồng, chăm sóc rừng sản xuất đã chuyển đổi sang trồng các loại cây gỗ lớn như gỗ keo, mỡ, gáo… để thay thế dần cho cây bạch đàn.

Ngoài giá trị kinh tế, người dân đã nhận thức rất rõ vai trò của rừng trong việc giữ đất và dự trữ nước ngầm. Vậy nên, trách nhiệm trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ rừng được các hộ dân nhận giao khoán thực hiện đúng như cam kết. Việc chuyển đổi sang trồng cây gỗ lớn, cây gỗ lâu năm cũng làm cho người dân yên tâm hơn trong việc chống sói mòn, sạt lở đồi núi khi có mưa lớn xảy ra.

Tại Trung tâm Phát triển Lâm nghiệp Vĩnh Phúc, bước vào mùa mưa, những diện tích rừng sản xuất đã được khai thác sẽ nhanh chóng được trồng phục hồi trở lại. Nếu như trước đây, bạch đàn là loại cây được trồng phố biến ở hầu hết các diện tích rừng sản xuất do Trung tâm quản lý, thì nay, một phần diện tích đã được chuyển đổi sang trồng cây gỗ lớn để bảo vệ đất và nâng cao giá trị kinh tế.

Với mục tiêu nâng độ che phủ rừng của Vĩnh Phúc đạt 25% trong năm 2025, những năm qua, các đơn vị, trung tâm được giao trồng và bảo vệ rừng đã nỗ lực trồng, chăm sóc diện tích rừng được giao. Đồng thời, không ngừng mở rộng diện tích trồng rừng ở các vùng đồi, núi với việc đưa vào trồng những loại cây gỗ có năng suất, chất lượng và khả năng giữ đất, giữ nước cao để nâng độ che phủ của rừng.

Hà Giang