Cập nhật: 15/10/2024 15:57:00
Xem cỡ chữ

Hầu hết núi lửa ở Việt Nam đều đã ngưng hoạt động, tuy nhiên cảnh quan thiên nhiên còn sót lại khiến bất cứ ai có cơ hội ngắm nhìn đều không khỏi thích thú, trầm trồ.

Trên đỉnh núi lửa Chư Đăng Ya. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Trên đỉnh núi lửa Chư Đăng Ya. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Núi lửa là ngọn núi lớn có miệng ở đỉnh, bên dưới là hồ magma có thể làm tan chảy hầu hết các loại đá.

Khi chịu nhiệt độ và áp suất ngày càng tăng cao, những khối đá cần nhiều không gian để giãn nở, do đó tạo nên khe nứt trên mặt đất, cho phép dung nham, tro và khí phun trào qua miệng núi.

Vật chất thoát ra và rơi xuống khu vực xung quanh, dần chồng lấp lên nhau, hình thành một ngọn núi hình nón với bề mặt rất dốc.

Hầu hết núi lửa ở Việt Nam đều có lịch sử hình thành từ hàng triệu năm về trước và đã ngưng hoạt động. Tuy nhiên cảnh quan thiên nhiên còn sót lại của núi lửa, chủ yếu tại khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, khiến bất cứ ai có cơ hội ngắm nhìn đều không khỏi thích thú, trầm trồ.

Núi lửa Chư Đăng Ya

Chư Đăng Ya là một trong những ngọn núi lửa nổi tiếng ở Việt Nam nằm trên địa bàn huyện Chư Păh, cách trung tâm thành phố Pleiku, Gia Lai, khoảng 30km.

Núi có độ cao 500m so với mực nước biển, trong quá khứ từng phun trào dữ dội, do đó đến nay vẫn còn giữ được cấu trúc hình phễu đặc trưng.

1611nuilua2.jpg

Nhìn từ trên cao, núi lửa Chư Đăng Ya có hình phễu lớn. (Ảnh: Hồng Hạnh/Vietnam+)

Núi lửa Chư Đăng Ya có lịch sử hình thành từ hàng triệu năm về trước, được ghi nhận với nhiều đợt phun trào nham thạch lớn nhất khu vực.

Sau khi núi ngừng hoạt động, lớp dung nham này đã tạo thành thảm đất đỏ bazan màu mỡ, đóng vai trò quan trọng trong hoạt động nông nghiệp của người dân địa phương.

Nhìn từ trên xuống, ngọn núi trông như một cái phễu khổng lồ được phủ xanh bởi thiên nhiên tươi tốt. Dọc theo sườn núi, ta có thể nhìn thấy những ô nhỏ được người dân phân chia để trồng hoa màu, chè xanh...

Mỗi mùa trong năm, khi đến đây tham quan, bạn sẽ có cơ hội ngắm nhìn Chư Đăng Ya khoác lên một cảnh sắc riêng biệt. Đẹp nhất là vào tháng 10, tháng 11, khi bức tranh thiên nhiên được tô điểm với rừng hoa dã quỳ mang sắc vàng cam rực rỡ.

Loài hoa hoang dại của núi rừng Tây Nguyên khoe sắc rực rỡ từ chân núi đến ngọn núi, len lỏi vào cả “lòng chảo” bên trong, tạo nên một điểm nhấn độc đáo cho cảnh đẹp huyện Chư Păh.

1611nuilua1.jpg

Chư Đăng Ya đẹp nhất là khi vào mùa hoa dã quỳ. (Ảnh: Hồng Hạnh/Vietnam+)

Đi du lịch Gia Lai vào mùa hoa dã quỳ nở, du khách có cơ tham gia lễ hội hoa dã quỳ với rất nhiều các hoạt động hấp dẫn, vui nhộn. Bạn vừa được trải nghiệm ngắm hoa, chụp ảnh, vừa được hòa mình vào nét văn hóa bản địa.

Các hoạt động đậm chất truyền thống của người Tây Nguyên như leo núi, múa cồng chiêng, ăn các món ăn truyền thống sẽ khiến du khách mê mẩn.

Núi lửa Hàm Rồng

Núi lửa Hàm Rồng còn được biết đến với tên gọi khác là núi Chư Hơ Đông, núi Hòn Rồng, ở xã Chư HDrông, thành phố Pleiku, Gia Lai. Đây là núi lửa nổi tiếng nhất khu vực cao nguyên Pleiku khi sở hữu chiều cao hơn 1.000m so với mực nước biển với phần miệng tròn hình phễu lớn.

Hàm Rồng là địa danh hiếm hoi còn mang đầy đủ những đặc tính tiêu biểu của một ngọn núi lửa nổi trên mặt đất, do đó thu hút đông đảo các nhà nghiên cứu cùng tín đồ du lịch đến tham quan, tìm hiểu.

Đặt chân đến núi lửa Hàm Rồng, bạn sẽ cơ hội trekking trên những con đường uốn lượn quanh co dẫn lên đỉnh núi, cảm nhận làn sương khói mát lạnh dần giăng kín.

Độ cao lý tưởng của ngọn núi cho phép những đôi chân ưa khám phá bắt trọn cảnh đẹp thành phố Pleiku với vô số đồi chè, càphê, rừng cao su… trải dài tít tắp.

Đặc biệt, nếu đến vào tháng 10-11, khi hoa dã quỳ nở rộ, bạn còn có thể check-in “sống ảo” cùng thiên nhiên điểm tô sắc vàng thơ mộng, hữu tình.

Núi lửa Chư Bluk

Núi lửa Chư Bluk nằm ở huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông, là cụm hang động núi lửa dài nhất Việt Nam.

Hệ thống hơn 100 hang động lớn nhỏ được tạo thành nhờ dòng chảy nham thạch cách đây hàng triệu năm, ẩn mình trong lớp đá bazan.

Hang dài 25km từ miệng núi lửa buôn Choar dọc theo chiều dài sông Sêrêpôk đến khu vực thác Đray Sáp. Trong lòng các hang C7, C3, A1 có nhiều kiến tạo địa chất nguyên sơ.

ttxvn_nui lua chu bluk.jpg

Một hang động núi lửa được tạo nên từ dòng chảy của dung nham. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Cung đường trekking 9km, tham quan hang động núi lửa sẽ thử thách tín đồ xê dịch với nhiều địa hình thú vị, trong đó nổi bật nhất là những cánh đồng tràn ngập nham thạch, ẩn mình trong lớp đất bazan lấp lánh.

Sau hành trình dài vượt qua hố sụt, nham thạch hay ngắm nhìn thạch nhũ, khuôn cây… bạn sẽ có mặt tại khu vực miệng núi lửa hình tròn với cảnh quan thiên nhiên siêu thực. Từ đây phóng tầm mắt ra xa, tận hưởng bức tranh làng quê hiền hòa, trút bỏ mọi ưu phiền.

Tại hang động nhiệt độ khá ổn định khoảng 24 độ C, khí hậu mát mẻ vô cùng.

Hầu như thời điểm nào đến đây cũng được cả. Mùa Xuân, Hè là thời điểm Chư Bluk đẹp nhất, lúc này thảm thực vật xanh tốt, ít mưa, nắng đẹp nên đường đi sẽ dễ dàng và cũng là lúc bạn sẽ mang về cho mình nhiều bức ảnh đẹp nhất.

Nếu như bạn muốn đến Đắk Nông để có thể tham gia các lễ hội thì có thể đến vào dịp đầu xuân, lúc này có khá nhiều lễ hội diễn ra như lễ chúc thọ, lễ cúng lúa mới, lễ Tâm Nghết, lễ hội cồng chiêng... tất cả đều rất hấp dẫn và đậm nét văn hóa người bản xứ.

Núi lửa Thới Lới

Núi Thới Lới là một trong hai Di tích cấp quốc gia tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận vào năm 2020.

Ngọn núi được hình thành từ quá trình phun trào nham thạch dữ dội tại vùng đảo này từ hàng triệu năm về trước.

Thới Lới là núi lửa lớn nhất trên đảo Lý Sơn với độ cao 169m so với mực nước biển. Nơi đây được bao phủ hầu hết bởi đất đá, do đó tạo nên cảnh quan vô cùng kỳ vỹ, hoang sơ.

Đứng trên đỉnh núi này, bạn sẽ có cơ hội ngắm nhìn toàn cảnh đảo Lý Sơn được bao quanh giữa làn nước biển xanh trong.

ttxvn_nui lua thoi loi.jpg

Hồ tự nhiên miệng núi lửa Thới Lới làm hồ chứa dự trữ nước (dung tích chứa 270.000m3). (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Như bao ngọn núi lửa khác, Thới Lới có phần miệng khổng lồ được tạo nên trong quá trình khoáng chất làm nứt nền đất, phun trào lên cao.

Lòng chảo của miệng núi hiện đã được tận dụng để xây dựng thành hồ chứa nước ngọt với dung tích 270.000m3.

Không chỉ sở hữu cảnh sắc thơ mộng, hữu tình với làn nước trong vắt, chiếc hồ có vai trò vô cùng quan trọng với người dân đảo Lý Sơn vì nơi đây có nguồn nước ngọt khá khan hiếm.

Núi lửa Giếng Tiền

Cách Thới Lới không xa là núi lửa Giếng Tiền - Di tích cấp quốc gia còn lại trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Đây là một trong những ngọn núi lửa ở Việt Nam sở hữu cảnh quan thiên nhiên siêu thực, khiến ai đã từng ghé thăm đều trầm trồ.

Với lịch sử hình thành từ hàng triệu năm về trước cùng nhiều núi lửa tại vùng đảo này, đến nay Giếng Tiền đã ngưng hoạt động hoàn toàn.

ttxvn_nui lua gieng tien.jpg

Vách đá trầm tích núi lửa Giếng Tiền kéo dài ở ven đảo Lý Sơn cũng như vùng ven biển xã Bình Châu (huyện Bình Sơn). (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Từ trên cao nhìn xuống, ngọn núi như một hố cây màu xanh nằm nổi bật giữa hòn đảo tươi đẹp, bao quanh là nương rẫy, làng mạc, nhà cửa và xa hơn là biển cả mênh mông. Bởi vì ngọn núi chỉ cao khoảng 86m nên rất dễ để bạn tham quan, khám phá.

Điểm nhấn của núi lửa Giếng Tiền nằm ở phần miệng hình lòng chảo rộng hàng trăm mét, bên trong là đất đỏ màu mỡ tạo điều kiện phát triển cho thảm thực vật xanh tươi, bao phủ hoàn toàn không gian rộng lớn.

Người dân trên đảo cũng dùng loại đất bazan này trộn với cát để trồng nên đặc sản tỏi Lý Sơn ngon nức tiếng gần xa./.

Theo (Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/kham-pha-5-nui-lua-voi-canh-sac-thien-nhien-ky-vi-o-viet-nam-post983306.vnp