Cập nhật: 18/10/2024 07:43:00
Xem cỡ chữ

Dự án “SpeakEase,” một ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để hỗ trợ trẻ em gặp khó khăn về ngôn ngữ giao tiếp với phụ huynh của sinh viên Nguyễn Thiện Quang và tổ đội đã xuất sắc đoạt giải Vàng.

Thiện Quang (trái) và Ngọc Trang (phải) cùng huấn luyện viên Hoàng Bảo Long, giảng viên cao cấp của BUV. (Ảnh: NTCC)

Thiện Quang (trái) và Ngọc Trang (phải) cùng huấn luyện viên Hoàng Bảo Long, giảng viên cao cấp của BUV. (Ảnh: NTCC)

Hôm nay, 17/10, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho hay hai sinh viên đại diện nhà trường tham dự cuộc thi Global Start-up Design Thinking Hackathon (Tư duy thiết kế Khởi nghiệp toàn cầu) đã xuất sắc giành được giải Vàng và giải Đồng.

Cụ thể, dự án “SpeakEase,” một ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để hỗ trợ trẻ em gặp khó khăn về ngôn ngữ giao tiếp với phụ huynh của sinh viên Nguyễn Thiện Quang (sinh viên năm 3, chương trình Khoa học Máy tính, Đại học Anh Quốc Việt Nam) và tổ đội đã xuất sắc đoạt giải Vàng. Dự án “Transparity,” thúc đẩy minh bạch hóa hoạt động của các quỹ từ thiện của nữ sinh viên Phan Lê Ngọc Trang (sinh viên năm 2 chương trình Tài chính và Kinh tế) đoạt giải Đồng.

Chia sẻ về dự án, Thiện Quang cho hay bản thân gặp khó khăn trong vận động và giao tiếp bẩm sinh nên em thấu hiểu hơn ai hết những khó khăn mà các bạn trẻ mắc bệnh về giao tiếp cũng như gia đình và người thân của các bạn đang gặp phải.

Từ đó, Thiện Quang đã truyền cảm hứng, thuyết phục và dẫn dắt đồng đội đến từ Thái Lan, Hàn Quốc và Indonesia, phát triển dự án xây dựng SpeakEase. Đáp ứng yêu cầu “thần tốc” của chương trình, SpeakEase được nhóm của Thiện Quang lên ý tưởng, xây dựng kế hoạch phát triển hoàn thiện chỉ trong 48 giờ.

Áp đảo về tính sáng tạo, ý nghĩa xã hội và tính ứng dụng cao, dự án SpeakEase đã xuất sắc vượt qua 12 dự án khác để giành giải vàng cao nhất cuộc thi. “Em nghĩ trẻ em khuyết tật nên được quan tâm, thấu hiểu, và tạo cơ hội kết nối bình đẳng giống các bạn đồng lứa. Em cũng mong giải pháp của nhóm có thể hỗ trợ các bậc phụ huynh có con khó khăn trong ngôn ngữ phần nào trong hành trình kết nối với con mình,” Thiện Quang chia sẻ. Quang cũng đang lên kế hoạch nghiên cứu ứng dụng mô hình ngôn ngữ lớn “thuần Việt” cho ứng dụng, giúp các trẻ em kém may mắn ở Việt Nam cũng có thể tiếp cận.

Theo (Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/sinh-vien-viet-nam-am-giai-vang-cuoc-thi-khoi-nghiep-quoc-te-post985803.vnp