Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV, sáng 29/10, đồng chí Dương Văn An, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Nguyễn Văn Mạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và các ông, bà Đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Vĩnh Phúc đã tham dự phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).
Toàn cảnh Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, trung bình mỗi ngày có khoảng 800 tỷ đồng hàng hóa giá trị nhỏ nhập khẩu vào Việt Nam và dự kiến con số này sẽ còn tăng lên trước sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử. Do đó, nếu miễn thuế thì ngân sách sẽ thất thu rất lớn, chưa kể tình trạng xé nhỏ giá trị đơn hàng để tránh thuế. Điều này ảnh hưởng trực tiếp các nhà sản xuất và ngành bán lẻ trong nước.
Đồng chí Dương Văn An, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và các đại biểu dự Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Về quy định nhà quản lý sàn giao dịch điện tử và nhà quản lý nền tảng số thực hiện kê khai, nộp thuế thay cho các hộ, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, một số Đại biểu Quốc hội cho rằng cần cân nhắc kỹ bởi quy định này sẽ đặt thêm gánh nặng cho các sàn giao dịch điện tử, ảnh hưởng đến sự phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam. Đặc biệt nhiều nước trên thế giới, các sàn thương mại điện tử có thể sử dụng hệ thống điện tử chung để báo cáo nộp thuế giá trị gia tăng cho tất cả các giao dịch trên một cổng duy nhất. Để đảm bảo tính khả thi, cần có những quy định cụ thể trong luật này bảo đảm phù hợp trong việc kết nối, hoàn thiện các hệ thống thông tin hỗ trợ các sàn thương mại điện tử thực hiện trách nhiệm của mình.
Buổi chiều, dưới sự chủ trì của đồng chí Dương Văn An, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc, Tổ trưởng Tổ 5 gồm Đại biểu Quốc hội các tỉnh: Vĩnh Phúc, Lào Cai, Quảng Nam và Kiên Giang đã thảo luận tại tổ về Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách Nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và Đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc đồng tình với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Đầu tư công nhằm kịp thời thể chế hóa quan điểm, mục tiêu, định hướng hoàn thiện thể chế, pháp luật về đầu tư công, đẩy mạnh phân cấp phân quyền theo chiến lược phát triển KT-XH các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương.
Đồng tình với nội dung về tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, tuy nhiên các đại biểu đề nghị trong dự thảo cần quy định cụ thể về thời gian hoàn thành cho cả dự án giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng công trình; rà soát lại tất cả các điều quy định về lập, thẩm định và quyết định chủ trương đầu tư, dự án cần bổ sung quy định về thời gian hoàn thành, tránh tình trạng kéo dài thời gian trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư.
Ngày mai (30/10), Quốc hội tiếp tục thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; Dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự và dự án Luật Phòng không Nhân dân.
Ngọc Anh