Trải qua thời gian, nhiều di tích văn hóa lịch sử đã bị xuống cấp nghiêm trọng, nếu không được trùng tu, tôn tạo kịp thời, các di tích có nguy cơ trở thành phế tích. Trên địa bàn tỉnh số lượng di tích cần tu bổ, tôn tạo hằng năm là khá lớn và có xu hướng tăng, trong khi nguồn vốn dành cho công tác này còn hạn hẹp, chưa đáp ứng được nhu cầu. Trước thực tế đó, một số địa phương trong tỉnh đã có cách làm sáng tạo nhằm huy động sức dân tham gia công tác trùng tu, tôn tạo, bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa. Ghi nhận tại huyện Yên Lạc.
Đình Lạc Trung, thôn Lạc Trung, xã Trung Nguyên, huyện Yên Lạc đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, nhưng bị xuống cấp nghiêm trọng. Bằng nguồn lực Nhà nước và huy động xã hội hóa Nhân dân địa phương đóng góp, ủng hộ gần 3,8 tỷ đồng, chính quyền và nhân dân địa phương đã tiến hành tu bổ, tôn tạo Đình Lạc Trung, đảm bảo giữ gìn tối đa các yếu tố gốc của di tích.
Tại xã Trung Nguyên có 21 di tích lịch sử văn hóa, công trình tín ngưỡng, tôn giáo; trong đó có 9 di tích được xếp hạng, với 1 di tích cấp quốc gia và 8 di tích cấp tỉnh. Với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền, sự tham gia ủng hộ nhân dân trong và ngoài địa phương, từ năm 2018 đến nay xã Trung Nguyên đã huy động được hàng chục tỷ đồng để thực hiện việc trùng tu, tôn tạo, bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa lịch sử trên địa bàn.
Huyện Yên Lạc có 226 di tích, trong đó, có 11 di tích cấp quốc gia, 100 di tích cấp tỉnh và 115 di tích chưa được xếp hạng nằm trong danh mục kiểm kê. Nhiều di tích bị hư hỏng, xuống cấp được tu bổ, tôn tạo bằng nguồn xã hội hóa, huy động sự đóng góp của Nhân dân.
Các di tích được trùng tu, tôn tạo bằng nguồn xã hội hóa không chỉ góp phần giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, mà còn thể hiện trách nhiệm của mỗi người dân đối với việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của ông cha để lại.
Lưu Trường