Cập nhật: 03/11/2024 16:33:00
Xem cỡ chữ

Để nâng tầm thương hiệu cho sản phẩm rèn Lý Nhân, người làm nghề rèn nơi đây đã tích cực áp dụng khoa học - công nghệ vào quá trình sản xuất. Việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất tại làng nghề là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng, tăng năng suất, tính cạnh tranh của sản phẩm và mang lại thu nhập tốt hơn cho người dân.

Để nâng cao năng lực, sức cạnh tranh cho sản phẩm làng nghề rèn truyền thống tại xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường, ngoài sự chủ động trong việc tiếp cận, ứng dụng công nghệ phù hợp với tình hình sản xuất thực tế của các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh thì việc tạo điều kiện hỗ trợ các cơ sở sản xuất tiếp cận các chính sách hỗ trợ, nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư cải tiến công nghệ, trang bị máy móc, thiết bị hiện đại... tạo ra nhiều sản phẩm mới, độc đáo là yếu tố quan trọng để xây dựng thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm làng nghề.

Trước đây, hộ gia đình chị Tươi ở thôn Bàn Mạch, xã Lý Nhân sản xuất nghề rèn chủ yếu bằng thủ công, lao động nặng nhọc, hiệu quả lao động không cao. Cùng với quá trình xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn, gia đình chị đã được vay vốn để phát triển sản xuất với lãi suất ưu đãi, chị đã mua máy móc để ứng dụng vào sản xuất, giúp người thợ không còn vất vả như xưa. Những khâu gia công yêu cầu nhiều sức lao động nay đã được máy móc thay thế như rèn bằng búa máy.

Việc đưa máy móc vào làm nghề không chỉ nâng cao năng suất lao động hàng chục lần so với làm bằng thủ công truyền thống, góp phần giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh sản phẩm mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm của làng nghề.Trải qua bao thăng trầm nhưng nghề rèn Lý Nhân vẫn đứng vững, bởi người làm nghề rèn ngoài nhanh nhạy, nắm bắt nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng, luôn mạnh dạn thay đổi để không ngừng vươn lên. Hiện sản phẩm của nghề rèn Lý Nhân đã có mặt hầu khắp các địa phương trên địa bàn cả nước, đồng thời còn được xuất đi các nước như Lào, Campuchia./.

Thùy Linh