Cập nhật: 04/11/2024 13:40:00
Xem cỡ chữ

Những năm qua, công tác tu bổ, tôn tạo, trùng tu các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc luôn được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm thực hiện nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử văn hóa truyền thống tốt đẹp, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của người dân.

Đình Ngõa, xã Văn Quán, huyện Lập Thạch là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Trải qua thời gian và thăng trầm của lịch sử, Đình Ngõa đã bị xuống cấp nghiêm trọng, các cột gỗ bị mối mọt ăn mòn, đổ nát. Sau nhiều kiến nghị của người dân và chính quyền địa phương, tháng 10/2023, Đình đã được triển khai trùng tu, tôn tạo theo Nghị quyết số 14 của HĐND tỉnh với tổng kinh phí hơn 13 tỷ đồng. Đến nay, công trình đã hoàn thành trong niềm vui, phấn khởi của nhân dân.

Đình Thứa Thượng, xã Duy Phiên, huyện Tam Dương cũng là 1 trong những di tích lịch sử cấp Quốc Gia đang được triển khai trùng tu, tôn tạo theo Nghị quyết số 14 của HĐND tỉnh. Hiện nay, đơn vị thi công gấp rút hoàn thành có hạng mục theo thiết kế để có thể bàn giao trong tháng 12/2024. Cùng với việc đảm bảo chất lượng, kiến trúc, nghệ thuật, trong quá trình thi công, việc bảo tồn, giữ gìn những giá trị gốc của di tích luôn được ưu tiên.

Theo danh mục phê duyệt, từ năm 2023-2025, toàn tỉnh sẽ có 82 di tích lịch sử được hỗ trợ kinh phí để trùng tu, tôn tạo theo Nghị quyết số 14 của HĐND tỉnh. Trong đó, có 2 di tích cấp Quốc gia đặc biệt, 21 di tích cấp Quốc gia và 59 di tích cấp tỉnh. Việc tôn tạo, tu bổ di tích được sự hướng dẫn, quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng, đảm bảo gìn giữ những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống vốn có của di tích.

Vĩnh Phúc hiện có hơn 1.300 di tích, trong đó có hơn 500 di tích đã được xếp hạng. Các di tích không chỉ có giá trị tiêu biểu về kiến trúc nghệ thuật mà còn chứa đựng một hệ thống cổ vật, di vật, các di sản văn hóa phi vật thể quý giá mang dấu ấn đặc trưng của đất và người Vĩnh Phúc. Chính vì vậy, việc tu bổ, tôn tạo các di tích có ý nghĩa quan trọng trong việc giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để Vĩnh Phúc thu hút du khách phát triển du lịch.

Thu Hoài