Theo số liệu thống kê từ Ban An toàn giao thông TP.HCM, trong 10 tháng đầu năm 2024, trên toàn địa bàn thành phố đã xảy ra 1.235 vụ tai nạn giao thông, làm chết 381 người và làm bị thương 768 người. Trong đó, số người thương vong ở độ tuổi học sinh là không hề nhỏ.
Đặc biệt, năm học 2024-2025, thành phố có hơn 1.707.000 em học sinh, vì vậy việc tuyên truyền nâng cao ý thức giữ gìn an toàn khi tham gia giao thông... là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết, đang được các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố triển khai thường xuyên.
Xung quanh vấn đề này, PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Công Đức - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phú Nhuận, TP.HCM.
PV: Thầy có thể cho biết công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật giao thông đến với các em học sinh đã được trường quan tâm triển khai như thế nào?
Thầy Nguyễn Công Đức: Được sự chỉ đạo của Sở Giáo dục và Công an quận, nhà trường tổ chức tuyên truyền an toàn giao thông cho học sinh. Hôm nay, nhà trường không chỉ mời báo cáo viên đến tuyên truyền, mà còn phối hợp với lực lượng Công an quận Phú Nhuận tổ chức các hoạt động tuyên truyền phong phú, bao gồm việc đặt câu hỏi tìm hiểu luật giao thông và phối hợp với nhà trường để xây dựng tiểu phẩm dựa trên kịch bản của cảnh sát giao thông quận.
Trường THPT Phú Nhuận phối hợp với Đội CSGT Công an quận Phú Nhuận tuyên truyền, phổ biến pháp luật giao thông cho các em học sinh
Chính các em trong đội kịch của nhà trường sẽ biểu diễn các tiểu phẩm ngắn, khoảng 5 đến 10 phút, tuyên truyền về những vi phạm thường gặp, như chưa đủ tuổi điều khiển xe phân khối lớn, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, hoặc chở ba.
Trường THPT Phú Nhuận (TP.HCM) quán triệt bãi xe nhà trường không giữ xe trên 50 phân khối cho các em học sinh khi chưa có GPLX
Thông qua đó, khi có sự hiện diện của lực lượng chức năng tại trường, sẽ tạo nên một không khí vừa nghiêm túc vừa vui tươi; các em vừa có chút lo lắng nhưng cũng vui mừng vì được nghe những thông điệp trực tiếp từ lực lượng chức năng về những lỗi vi phạm thường gặp.
Qua đó, các em được nhắc nhở phải thực hiện nghiêm luật giao thông đường bộ, góp phần cùng quận, thành phố và cả nước giảm tình trạng tai nạn giao thông trong học sinh
PV: Ngoài việc phối hợp với các lực lượng chức năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật giao thông cho các em, thì về phía nhà trường, còn triển khai những giải pháp nào nữa không?
Cán bộ, chiến sĩ CSGT phát tờ rơi cho các em học sinh trong buổi tuyên truyền phổ biến pháp luật giao thông đường bộ
Thầy Nguyễn Công Đức: Đối với nhà trường, không chỉ riêng năm nay mà hầu như tất cả các năm, vào đầu năm học, nhà trường luôn có cuộc họp tuyên truyền cho các em về việc chấp hành luật giao thông đường bộ. Thứ hai, thông qua buổi họp phụ huynh đầu năm, nhà trường tổ chức ký cam kết không giao xe cho các em khi chưa đủ tuổi và yêu cầu chấp hành quy định đội mũ bảo hiểm.
Đồng thời, phụ huynh khi đón con cũng phải đậu xe trên vỉa hè một cách trật tự để góp phần giảm ùn tắc trước cổng trường. Đối với học sinh, các em cũng ký cam kết thông qua buổi đại hội lớp, đại hội đoàn về việc không vi phạm an toàn giao thông, như không điều khiển xe khi chưa đủ tuổi và chấp hành đội mũ bảo hiểm khi lưu thông trên đường.
Đây là những hoạt động xuyên suốt từ đầu năm và không chỉ dừng lại ở đầu năm, mà hàng tuần, nhà trường cũng thường xuyên nhắc nhở và gửi thông tin vào nhóm lớp trưởng để các em luôn luôn chấp hành luật giao thông khi điều khiển xe trên đường.
Học sinh Trường THPT Phú Nhuận trải nghiệm thực tế về điểm mù của các phương tiện xe ô tô tải khi tham gia giao thông trên đường
Đối với nhà trường, có chỉ đạo cho lực lượng căng tin không giữ xe trên 50 phân khối khi học sinh chưa đủ tuổi. Chỉ khi đến học kỳ 2, một số em lớp 12 đủ tuổi và có bằng lái xe, căng tin mới chấp nhận giữ xe cho các em sau khi các em xuất trình giấy phép lái xe.
PV: Với quy định là nếu các em vi phạm trật tự an toàn giao thông, thì lực lượng CSGT sẽ gửi thông báo về cho nhà trường. Vậy trường đã có những biện pháp quán triệt và nhắc nhở các em như thế nào?
Thầy Nguyễn Công Đức: Nhờ quy định khi các em vi phạm, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ gửi thông báo về nhà trường, nên nhà trường thường xuyên căn cứ vào đó để nhắc nhở, răn đe các em không được vi phạm.
Bởi vì nếu vi phạm, các em sẽ bị ảnh hưởng đến việc đánh giá hạnh kiểm và rèn luyện, điều này có tác động rất lớn đến quá trình xét tuyển vào các trường đại học. Đây là điều các em cần ghi nhớ để không vi phạm.
Đến thời điểm này, chưa có trường hợp nào vi phạm để lực lượng chức năng phải gửi thông báo về, nhưng nếu có, chắc chắn chúng ta sẽ phải xử lý
PV: Xin cảm ơn ông!
Theo Nguyễn Sử/VOV Giao thông
https://vov.vn/xa-hoi/tang-cuong-tuyen-truyen-atgt-trong-truong-hoc-post1132976.vov