Cập nhật: 09/11/2024 20:00:00
Xem cỡ chữ

Chiều 9/11, đồng chí Trần Duy Đông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã tham dự Phiên họp toàn thể lần thứ 29 Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra các Tờ trình và Đề án của Chính Phủ về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, thành phố, trong đó có tỉnh Vĩnh Phúc. Đồng chí Hoàng Thanh Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chủ trì phiên họp.

Theo tờ trình về sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, thành phố, Chính phủ đề nghị thực hiện sắp xếp, thành lập đối với 6 đơn vị hành chính cấp huyện và 361 đơn vị hành chính cấp xã để hình thành 5 đơn vị hành chính cấp huyện và 200 đơn vị hành chính cấp xã mới của 12 tỉnh, thành phố. Sau sắp xếp, giảm 1 đơn vị hành chính cấp huyện và 161 đơn vị hành chính cấp xã. Có 5 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hà Tĩnh, Phú Thọ, Quảng Ngãi, Quảng Trị đề nghị không thực hiện sắp xếp 8 đơn vị hành chính cấp huyện. Có 9 tỉnh, thành phố gồm: Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, Thành phố Hồ chí Minh, Phú Thọ, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh và Vĩnh Phúc đề nghị không thực hiện sắp xếp 258 đơn vị hành chính cấp xã.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực lớn của Chính phủ, các bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền các địa phương trong việc xây dựng các đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 và đề nghị sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua các nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính, các địa phương cần khẩn trương ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết, sớm ổn định tổ chức bộ máy, bảo đảm điều kiện hoạt động của các cơ quan chính quyền, các cơ quan trong hệ thống chính trị ở những đơn vị hành chính mới hình thành sau sắp xếp; lưu ý đến vấn đề liên quan đến kiện toàn các cơ quan chính quyền địa phương, UBND, HĐND trong bối cảnh chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025- 2030.

Ngọc Anh