Cập nhật: 15/11/2024 13:55:00
Xem cỡ chữ

Tận dụng lợi thế về địa hình, khí hậu đa dạng, nhiều địa phương trong tỉnh đã phát triển mạnh các loại cây dược liệu, góp phần đảm bảo nguồn thuốc quý, thúc đẩy phát triển kinh tế cho người dân.

Tại xã Quang Yên, huyện Sông Lô có 30 hộ dân tộc Cao Lan làm nghề thuốc Nam gia truyền và hơn 100 hộ trồng cây thuốc nam tập trung ở các thôn Đồng Dong, Đồng Dạ, Xóm Mới. Để bảo tồn, phát triển cây dược liệu tại địa phương, Hội Phụ nữ xã Quang Yên phối hợp với Trạm Y tế xã ra mắt Câu lạc bộ Vườn thuốc Nam kiểu mẫu với 24 thành viên là các hội viên phụ nữ làm nghề thuốc Nam gia truyền trên địa bàn xã. Câu lạc bộ là địa điểm hướng dẫn trồng cây thuốc nam, chế biến và sử dụng thuốc Nam trong chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe.

Bên cạnh đó, xã Quang Yên đã thành lập “Tổ liên kết thuốc Nam gia truyền”, khuyến khích việc trồng, lưu giữ các bài thuốc, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về y học cổ truyền, nâng cao khả năng chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân. Hỗ trợ nguồn vốn vay phát triển kinh tế từ trồng cây dược liệu, trưng bày, giới thiệu sản phẩm thuốc quảng bá hình ảnh đến du khách.

Hiện nay, huyện Tam Đảo, có trên 200 loại cây dược liệu khác nhau, như: Ba kích, Trà hoa vàng, Tam thất, Hoàng đẳng, Cẩu tích… Việc phát triển, mở rộng diện tích trồng cây dược liệu không chỉ bảo tồn những loại thuốc quý mà còn giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Trên địa bàn tỉnh hiện nay đã hình thành nhiều vùng chuyên canh trồng cây dược liệu với nhiều loại, giống cây có giá trị về y học, cũng như giá trị về kinh tế, qua đó, vừa bảo tồn được nguồn dược liệu quý, đồng thời, thúc đẩy phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập cho người dân.

Tiến Trang