Cập nhật: 17/11/2024 08:13:00
Xem cỡ chữ

Bước vào thời đại công nghệ phát triển, học sinh không còn thụ động tiếp thu kiến thức từ các thầy, cô giáo ở trên lớp. Giờ đây, mỗi bài giảng của giáo viên cần sự đầu tư về cả kiến thức, công nghệ, vốn hiểu biết xã hội để đem đến cho các em những bài học hấp dẫn nhất. Đây vừa là một thách thức, vừa là cơ hội cho giáo viên tiếp tục học hỏi, thay đổi vì một nền giáo dục hiện đại.

Một buổi học về tình cảm cha con, học sinh được xem phim về bố trong lớp học của cô giáo Nguyễn Thị Thủy Tiên. (Nguồn: NVCC).

Một buổi học về tình cảm cha con, học sinh được xem phim về bố trong lớp học của cô giáo Nguyễn Thị Thủy Tiên. (Nguồn: NVCC).

Thầy, cô giáo nâng cao kiến thức mỗi ngày

Cô giáo Trần Thị Hương Ly (cựu giáo viên THCS Long Biên, Hà Nội), hiện đang dạy ở một trung tâm tại Hà Nội cho biết, cô vừa học thêm một khóa đồ họa cơ bản. Được biết, tại trung tâm nơi cô Hương Ly làm việc có cơ sở vật chất rất tân tiến, hiện đại. Ngoài việc giảng dạy kiến thức văn học, cô Ly còn thường xuyên cho học sinh xem phim, giảng qua trình chiếu powerpoint. Cô cho biết: “Các hiệu ứng trong phần mềm powerpoint giờ đây không còn hấp dẫn các em học sinh như trước nữa. Vì vậy, tôi đã học các khóa đồ họa cơ bản để thiết kế những trò chơi, bài giảng thú vị. Học sinh vừa học, vừa tương tác với giáo viên và chủ động ghi nhớ, vận dụng kiến thức”.

Cô chia sẻ, thời đại công nghệ tin học phát triển, học sinh dễ dàng tiếp cận các kiến thức tin học. Nhiều em ở độ tuổi 12 - 13 đã có thể thành thạo sử dụng word, powerpoint và tạo ra những bài thuyết trình đẹp mắt. Vì vậy, các em không còn trầm trồ, ngạc nhiên trước những hiệu ứng cơ bản, quen thuộc trên các phần mềm nữa. Buộc các thầy cô liên tục học hỏi, cập nhật những kiến thức, làm mới bài giảng.

Cô Hương Ly nói: “Lấy ví dụ khi giảng bài về câu chuyện “Dế Mèn phiêu lưu ký”, tôi tạo ra một trò chơi dựa trên ứng dụng Quizizz. Các em vừa học, vừa chơi. Ứng dụng có bảng xếp hạng quán quân, á quân,... tạo sự hứng khởi cho học sinh khi tham gia chơi”.

Đối với thầy Dương Minh Ngọc, giáo viên Trung tâm GDTX thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh chia sẻ: “Môi trường giáo dục nơi tôi đang công tác có những đặc thù riêng. Bên cạnh những kiến thức mà Bộ GD&ĐT quy định, việc mở rộng kiến thức, định hướng các em tiếp cận thông tin trên mạng xã hội là rất quan trọng”. Thầy Ngọc cho biết, mỗi ngày, thầy đều dậy từ sáng sớm cập nhật những thông tin mới trên báo chí, truyền thông. Đó là những tin tức thời sự, cũng có thể là tin tức giải trí có giá trị.

Thầy tâm sự: “Khi dạy về tình đoàn kết của dân tộc, ngoài các văn bản được quy định trong chương trình, tôi còn lấy thêm các bài báo trên mạng nói về tình quân dân vào mùa bão lũ vừa qua. Hay những hình ảnh đẹp trong ngày 2/9, 10/10 để học sinh cảm nhận được niềm tự hào dân tộc, hạnh phúc khi bản thân mình là người Việt Nam”. Thầy cho biết, để có được hiểu biết, nhận định đúng đắn về các thông tin trên mạng xã hội, thầy thường xuyên tham gia các buổi tập huấn của trường, của tỉnh để luôn đem đến những kiến thức tốt nhất cho học sinh.

Cô Hoàng Thị Loan (THPT Bình Minh, Hà Nội) cho biết, giáo viên thời đại 4.0 sẽ vất vả hơn rất nhiều. Hàng ngày, học sinh không chỉ học thông qua bài giảng trên lớp. Nhiều em sẽ tự học kiến thức từ những trang web chuyên về giáo dục ở trên mạng. Vì vậy, một số học sinh có tư chất, sẽ tự học trước, học vượt, thậm chí mở rộng kiến thức. Các thầy, cô giáo phụ trách bất cứ bộ môn nào cũng cần trau dồi kiến thức hàng ngày.

Cô Loan chia sẻ: “Tôi đã từng dạy những học trò vô cùng nỗ lực. Các em liên tục mở rộng kiến thức bằng cách đọc các cuốn sách văn học, tâm lý, khoa học miễn phí ở trên mạng. Ngoài ra, các em còn thích đọc các bài báo hay, bài bình luận của những chuyên gia, để làm nguồn tư liệu cho bài học trên lớp. Một số vấn đề khó, thuật ngữ chuyên ngành chưa hiểu rõ, các em sẽ đến lớp trao đổi với giáo viên. Cho nên, chính chúng tôi phải tự học rất nhiều để giải đáp thắc mắc, định hướng các em trong hành trình học tập”.

Theo thống kê, Việt Nam là một trong những nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ người dùng internet và mạng xã hội. Hiện nước ta có hơn 72 triệu người sử dụng mạng xã hội, chiếm khoảng 73% dân số. Trong đó, 82% trẻ em Việt Nam 12 - 13 tuổi sử dụng internet hàng ngày, con số này ở lứa tuổi 14 - 15 là 93%.

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin ảnh hưởng trực tiếp tới việc giảng dạy cho học sinh. Hiện nay, các em không còn phụ thuộc vào bảng đen, phấn trắng hay cần thầy cô cầm tay chỉ việc nữa. Thầy cô không còn độc quyền trao kiến thức cho trò khi người học nhiều phương tiện để mở rộng, bồi đắp thêm. Vai trò, trách nhiệm người giáo viên vì vậy cũng nặng nề hơn. Họ không chỉ phải giảng dạy kiến thức nền tảng mà còn phải định hướng để học sinh có thể tự học, tự tìm tòi trên không gian số với hàng trăm nghìn thông tin mỗi ngày.

Điều này đòi hỏi chính các thầy cô phải tiếp tục học để nâng cao trình độ. Đây vừa là một thách thức, vừa là cơ hội. Vì chính giáo viên cần phải tìm ra được hướng đi trên thế giới internet trù phú thông tin. Người giáo viên cần bỏ công sức, mở rộng kiến thức đến nhiều lĩnh vực khác nhau, chứ không chỉ bó hẹp trong chuyên môn của chính mình.

Giáo viên phải là “tấm gương” cho học sinh

Đối với thầy Ngọc, việc định hướng cho học sinh tiếp cận thông tin trên internet vô cùng quan trọng. (Nguồn: NVCC)

Đối với thầy Ngọc, việc định hướng cho học sinh tiếp cận thông tin trên internet vô cùng quan trọng. (Nguồn: NVCC)

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, cần có những con người xã hội chủ nghĩa, mà muốn có những con người xã hội chủ nghĩa thì cần phải có giáo dục”. Và theo Người, vấn đề then chốt quyết định chất lượng giáo dục chính là đội ngũ những người thầy giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Vì thầy, cô giáo có trách nhiệm truyền bá cho thế hệ trẻ lý tưởng đạo đức chân chính, hệ thống các giá trị, tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại, bồi dưỡng cho họ những phẩm chất cao quý và năng lực sáng tạo phù hợp với sự phát triển và tiến bộ của xã hội.

Thời kỳ 4.0, học sinh, phụ huynh đều được tiếp cận với mạng xã hội, các công nghệ hiện đại. Cho nên, đạo đức của người làm thầy cô được nâng cao hơn bao giờ hết. Trong thời gian qua, một bộ phận các giáo viên có hành vi sai lệch như bạo lực học đường, lạm thu quỹ, chèn ép học sinh,... liên tục bị đưa lên mạng và nhận về nhiều phản hồi tiêu cực. Điều này cho thấy, thời đại công nghệ, đòi hỏi người giáo viên phải có đức và có tài. Đức của nhà giáo là tư cách, tình yêu thương, trách nhiệm đối với nghề, với học sinh; còn tài là sự am hiểu, vốn tri thức, vốn kinh nghiệm thực tiễn…

Với những giáo viên chân chính, thời đại 4.0 vừa là áp lực thúc đẩy học tiếp tục nâng cao trình độ, đồng thời là cơ hội để các thầy cô hoàn thiện bản thân, lan tỏa vẻ đẹp giáo dục đến cho cộng đồng, xã hội. Thực tế, còn đó, những người giáo viên vô cùng tâm huyết với nghề, dành cả cuộc đời để yêu thương học trò. Hàng triệu giáo viên đã và đang thầm lặng hy sinh cho sự nghiệp “trồng người”, đặc biệt là những giáo viên đang giảng dạy ở vùng rừng núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, những giáo viên dạy trẻ khuyết tật. Nhiều thế hệ học sinh, nhiều phụ huynh học sinh vẫn biết ơn, nhớ và thăm viếng thầy cô, nhất là trong những ngày họp lớp, ngày Nhà giáo Việt Nam.

Như câu chuyện của cô giáo Huỳnh Thanh Thảo (SN 1986), mắc phải căn bệnh xương thủy tinh, chỉ cao 65cm, mọi sinh hoạt hằng ngày đều do cha mẹ phụ giúp. Dù không thể tự đi lại, di chuyển, cô vẫn nỗ lực học tập, đọc sách mỗi ngày. Từ năm 14 tuổi, dù chỉ nằm trên giường, nhưng cô vẫn dạy học tình thương cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Câu chuyện của cô đạo diễn Elizabeth Van Meter dựng thành bộ phim “Thao’s Library” và được công chiếu ở New York, truyền cảm hứng cho những trẻ em không may mắn khiếm khuyết cơ thể trên toàn thế giới.

Không gian mạng giúp thầy cô sống trách nhiệm hơn, trở thành tấm gương lan tỏa vẻ đẹp nghề giáo. (Ảnh minh họa : Trần Thị Hương Ly).

Không gian mạng giúp thầy cô sống trách nhiệm hơn, trở thành tấm gương lan tỏa vẻ đẹp nghề giáo. (Ảnh minh họa : Trần Thị Hương Ly).

Cô giáo Ngô Thúy Trình (74 tuổi) sau khi về hưu, đã làm một tài khoản mạng xã hội. Trên kênh của mình cô liên tục chia sẻ các bài giảng miễn phí. Tài khoản của cô đạt hàng trăm nghìn lượt theo dõi. Cô Trình tâm sự, vì nhớ nghề, yêu nghề nên dù về hưu, cô vẫn muốn được giảng dạy hoàn toàn miễn phí. Cô Trình được rất nhiều người yêu mến nhờ tâm huyết, tình yêu đối với nghề giáo.

Nhờ những ví dụ nêu trên có thể thấy, thời đại công nghệ phát triển đang là một động lực giúp các giáo viên lan tỏa vẻ đẹp của giáo dục. Đồng thời giảng dạy kiến thức miễn phí cho các em học sinh không có điều kiện. Đây là điều rất đáng quý.

Đặc biệt, nếu giáo viên biết sử dụng mạng xã hội đúng cách, đây sẽ là sợi dây kết nối giữa thầy cô và học sinh. Ngoài thời gian học trên lớp, các em có thể thông qua Facebook, Zalo liên hệ hỏi bài, trao đổi với thầy cô ngoài giờ học một cách nhanh chóng, thuận lợi. Trên không gian mạng, học sinh có thể tương tác với thầy cô, lưu lại những khoảnh khắc, kỷ niệm đẹp, hạnh phúc giữa thầy và trò.

Cô Nguyễn Thị Thủy Tiên (Trung tâm EQ và Ngôn ngữ, Hà Nội) cho biết, vai trò của người giáo viên thời 4.0 không chỉ đơn giản là truyền đạt kiến thức, mà còn giúp học trò trang bị các kỹ năng để hội nhập toàn cầu. Bên cạnh việc giảng dạy, mỗi giáo viên luôn phải trau dồi đạo đức, sống có trách nhiệm. Mặc dù luôn phải nỗ lực như vậy, giáo viên sẽ vất vả, áp lực hơn rất nhiều. “Nhưng là một người giáo viên, tôi không coi đó là thử thách, mà cảm thấy đây là cơ hội để mình hoàn thiện bản thân, sống có trách nhiệm, đem lại những giá trị tốt đẹp cho các thế hệ học sinh”, cô Thủy Tiên nói.

Theo baophapluat.vn

https://baophapluat.vn/thay-co-giao-thoi-ky-40-vuot-qua-thach-thuc-nam-bat-co-hoi-post531949.html