Nhằm duy trì và mở rộng các hình thức sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động tại khu vực nông thôn, các cấp, ngành, địa phương tập trung đổi mới định hướng, tạo điều kiện đào tạo nghề theo hướng gắn với nhu cầu, đa dạng hình thức kết nối cung - cầu lao động, mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động.
Bám sát mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nhiều địa phương đã đổi mới hình thức tuyên truyền, phổ biến tới người lao động về các chính sách hỗ trợ mới; tăng cường rà soát, khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động, xây dựng kế hoạch đào tạo nghề dựa trên nhu cầu thực tiễn đáp ứng cơ cấu ngành, lĩnh vực và giảm nghèo bền vững.
Từ các khóa học nghề cơ bản đã giúp lao động nông thôn từng bước thay đổi tư duy về chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế cùng với sự hỗ trợ từ nguồn vốn vay ưu đãi có lãi suất thấp, nhiều hộ gia đình, cá nhân đã chủ động tiếp cận, tham gia xây dựng kinh tế; tích cực học hỏi kinh nghiệm lựa chọn hình thức việc làm phù hợp.
Phát huy vai trò các tổ chức chính trị xã hội là cầu nối đến người dân, đa dạng hóa các hình thức, kênh thông tin tìm kiếm việc làm, khuyến khích, huy động các cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia dạy nghề gắn với tạo việc làm tại chỗ cho người lao động.
Từ năm 2023 đến nay, toàn tỉnh tổ chức đào tạo cho hơn 1.000 lao động học nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng có việc làm, thu nhập ổn định. Việc đổi mới nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, ưu tiên phát triển tận dụng thế mạnh ngành nghề, các chính sách hỗ trợ và công tác tuyên truyền phối hợp sẽ góp phần bảo đảm nguồn lực, mở ra nhiều việc làm mới cho người lao động nông thôn.
Tiến Trang