Nghệ An là địa phương có nền văn hóa giàu bản sắc, cảnh quan thiên nhiên phong phú, kho tàng di sản độc đáo. Đây được xem là những nguồn lực quan trọng để Nghệ An xây dựng và phát triển các lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên, công nghiệp văn hóa Nghệ An đang ở dạng tiềm năng, muốn phát triển được còn nhiều khó khăn và thách thức.
Vẫn ở dạng tiềm năng
Trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, ngành Điện ảnh được xác định là bộ phận quan trọng. Năm 2011, UBND tỉnh đã có quyết định chuyển đổi Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Nghệ An thành Công ty Cổ phần Điện ảnh 12/9, với 5 phòng chiếu phim, 780 ghế, được trang bị các công nghệ hiện đại, mỗi năm thu hút khoảng 60.000 khán giả đến với bộ môn nghệ thuật thứ 7. Đến nay, Điện ảnh được coi là ngành Văn hóa nghệ thuật duy nhất ở Nghệ An đã xây dựng được thị trường thực sự, có sự phát triển mạnh về doanh thu.
Ông Nguyễn Vĩnh Nam - Quản lý Công ty Cổ phần Điện ảnh 12/9 cho biết: Chúng tôi xác định để trở thành ngành công nghiệp văn hóa phải lựa chọn được những bộ phim chất lượng nhằm thu hút khán giả và khách du lịch. Bởi vậy, Công ty cũng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ để khuyến khích khán giả xem phim một cách đa dạng và cởi mở hơn, tiếp xúc với nhiều thể loại điện ảnh, từ đó tạo cơ hội cho các dòng phim cùng phát triển.
Nghệ An là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa như: Kho tàng di sản văn hóa đồ sộ, cảnh sắc thiên nhiên phong phú, có truyền thống lịch sử lâu đời, nền văn hóa giàu bản sắc với 492 di tích đã được xếp hạng. Bên cạnh đó, tỉnh còn sở hữu kho tàng Di sản Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh vô giá, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người dân cũng đang tăng lên. Tỉnh hiện có khoảng 200 làng nghề đang hoạt động, trong đó có nhiều làng nghề nổi tiếng như dệt thổ cẩm, mây tre đan, nghề mộc, nghề làm nồi đất… Tuy nhiên trên thực tế, thời điểm này mới chỉ có lĩnh vực Điện ảnh là xây dựng được thị trường thực sự, còn nhiều lĩnh vực khác vẫn ở dạng tiềm năng.
Nhìn nhận vấn đề, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thị Mỹ Hạnh thừa nhận, sự phát triển kinh tế di sản, du lịch văn hóa của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng. Các doanh nghiệp chưa mặn mà phát triển du lịch văn hóa.
Bà Trần Thị Mỹ Hạnh cũng chỉ rõ những khó khăn của tỉnh như: Chưa có nhiều lợi thế, thu hút phát triển một số lĩnh vực của các ngành công nghiệp văn hóa; sự chỉ đạo, phối hợp giữa các sở, ngành chưa thực sự quyết liệt; đầu tư cơ sơ vật chất còn hạn chế, chưa đồng bộ, thống nhất, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Điều đáng nói là hiện Nghệ An chưa có các cơ chế chính sách ưu đãi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, nên việc kêu gọi đầu tư, xã hội hóa để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế mới chỉ đạt được ở mức độ khiên tốn.
Cần nhiều cơ chế, chính sách phát triển
Xác định tầm quan trọng của công nghiệp văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội, từ năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 214 triển khai chiến lược của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, ngành Văn hóa đã tham mưu xây dựng Đề án Chiến lược phát triển văn hóa tỉnh Nghệ An đến năm 2030, định hướng đến năm 2035, trong đó lựa chọn ưu tiên phát triển vào 3 lĩnh vực chính có tiềm năng, thế mạnh của địa phương để đầu tư phát triển như du lịch văn hóa; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm.
Với mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa không dàn trải, ưu tiên chọn lựa các ngành có tiềm năng, thế mạnh của địa phương để đầu tư phát triển, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thị Mỹ Hạnh cho biết: Ngành sẽ tham mưu để đưa cơ chế hợp tác đối tác công tư (PPP) vào phát triển du lịch văn hóa như: Xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kinh doanh dịch vụ du lịch tại các địa điểm có di tích quốc gia đặc biệt; đầu tư nâng cấp và đưa vào sử dụng công nghệ hiện đại ở Khu di tích Kim Liên, các bảo tàng; xây dựng Bảo tàng ánh sáng tại Quảng trường Hồ Chí Minh; Bảo tàng văn hóa các dân tộc Nghệ An tại Quỳ Châu; dự án phục hồi Văn Miếu Vinh, Khu tưởng niệm Nữ sĩ Hồ Xuân Hương…
Ngành Văn hóa và Thể thao cũng phối hợp với các địa phương bảo tồn và phát triển các lễ hội truyền thống, dân gian; lễ hội văn hóa, lịch sử cách mạng; lựa chọn những giá trị văn hóa, lễ hội tiêu biểu tạo thành sản phẩm văn hóa đặc sắc, tạo động lực phát triển kinh tế du lịch.
Ngành thực hiện số hóa và lập bản đồ số di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu, hiện vật tiêu biểu; tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, danh thắng trên địa bàn tỉnh; kết hợp hài hòa việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch bền vững.
Trong lĩnh vực Nghệ thuật biểu diễn, ngành Văn hóa và Thể thao cũng chú trọng bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống kết hợp với các loại hình nghệ thuật đương đại, tạo ra nhiều tác phẩm chất lượng cao, thể hiện được tính sáng tạo, độc đáo của nghệ thuật truyền thống, tập trung phát triển các sản phẩm, show diễn độc đáo về Dân ca Ví, Giặm và nghệ thuật trình diễn dân gian các dân tộc thiểu số của tỉnh phục vụ phát triển du lịch và hội nhập quốc tế. Cùng với đó, ngành đầu tư Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ, Nhà hát Dân ca đồng bộ, hiện đại đáp ứng tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật lớn của quốc gia, quốc tế, phục vụ nhân dân và du khách. Ngành đầu tư, xây dựng các không gian diễn xướng nghệ thuật tại Quảng trường Hồ Chí Minh, Bảo tàng Nghệ An, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, Thành cổ Vinh, khu phố đi bộ, di tích… để tổ chức các show diễn thực cảnh tạo sản phẩm thu hút khách tham quan, phát triển du lịch và phát triển kinh tế ban đêm.
Với lĩnh vực Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, ngành xây dựng, nâng cấp một số nhà trưng bày, triển lãm đạt tiêu chuẩn thường xuyên phục vụ các hoạt động chuyên ngành, hoạt động trong nước, khu vực và quốc tế; quảng bá, mua, bán các sản phẩm; hợp tác, liên doanh, liên kết trong sáng tạo, sản xuất, phổ biến và tiêu dùng, từng bước hình thành thị trường trong lĩnh vực này. Đặc biệt, ngành xây dựng chính sách khuyến khích hoạt động xã hội hóa phát triển các phòng trưng bày, bảo tàng mỹ thuật tư nhân, gallery (phòng trưng bày các tác phẩm nghệ thuật).
Đóng góp ý kiến để khai thác công nghiệp văn hóa địa phương, Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Mạnh Cường cho rằng: Trong bối cảnh hiện nay, để các ngành công nghiệp văn hóa ở Nghệ An phát triển nhanh và bền vững cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ban hành những cơ chế chính sách đặc thù cho từng lĩnh vực. Hai ngành Du lịch, Văn hóa - Thể thao, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc trùng tu tôn tạo các sản phẩm đồng bộ; gắn với thực hiện tuyên truyền, quảng bá, kêu gọi đầu tư vào du lịch; nâng cao nhận thức, đẩy mạnh chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ khách du lịch… Có như vậy, Nghệ An mới phát triển được ngành công nghiệp ăn hóa, đóng góp cho triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Theo Bích Huệ (TTXVN)
https://baotintuc.vn/van-hoa/nhieu-thach-thuc-trong-phat-trien-cong-nghiep-van-hoa-20241211091453608.htm