Chiến tranh nhân dân và người lính cách mạng trở thành đề tài trung tâm của văn học Việt Nam, theo đó, thơ ca kháng chiến lớn lên cùng với sự lớn lên của đất nước.
Suốt 80 năm qua (1944-2024), đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng vẫn luôn là dòng chảy mạnh mẽ, thôi thúc các thế hệ văn nghệ sỹ trong và ngoài quân đội say mê khám phá, sáng tạo.
Văn học nghệ thuật lớn lên cùng đất nước
Nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, khẳng định: Cách mạng tháng Tám năm 1945 là sự kiện lịch sử trọng đại, mở ra một thời đại mới cho thi ca. Chiến tranh nhân dân và người lính cách mạng trở thành đề tài trung tâm của văn học nước ta. Thơ ca kháng chiến lớn lên cùng với sự lớn lên của đất nước.
Một loạt các bài thơ của những người trực tiếp cầm súng xuất hiện làm náo nức lòng người. Đó là “Đồng chí” của Chính Hữu; “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi; “Tây Tiến” của Quang Dũng; “Bên kia sông Đuống” của Hoàng Cầm; “Đèo Cả” của Hữu Loan; “Bộ đội về làng” của Hoàng Trung Thông; “Đêm nay Bác không ngủ” của Minh Huệ; tập thơ “Việt Bắc” của nhà thơ Tố Hữu…
Bước vào giai đoạn chống Mỹ, văn học nước ta được bổ sung một đội ngũ đông đảo các cây bút trẻ ở cả hai miền Nam-Bắc. Ở miền Nam, những bài thơ của Giang Nam, Thanh Hải, Lê Anh Xuân, Thu Bồn, Nam Hà, Trần Vàng Sao... được công chúng đón nhận nồng nhiệt.
Ở miền Bắc, xuất hiện nhiều giọng điệu thơ mới mẻ như Nguyễn Mỹ, Xuân Quỳnh, Vũ Quần Phương, Phan Thị Thanh Nhàn, Hoàng Nhuận Cầm, Lâm Thị Mỹ Dạ, Bằng Việt, Phạm Tiến Duật… góp phần đưa thơ ca chống Mỹ tới đỉnh cao.
Nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng như “Xung kích” của Nguyễn Đình Thi, “Ký sự Cao Lạng” của Nguyễn Huy Tưởng; “Ở rừng” của Nam Cao; “Truyện Tây Bắc” của Tô Hoài; “Đất nước đứng lên” của Nguyên Ngọc; “Người mẹ cầm súng” của Nguyễn Thi; “Dấu chân người lính” của Nguyễn Minh Châu; “Ngàn dâu”, “Những cánh rừng lá đỏ” của Hồ Phương; “Thương lượng với thời gian”, “Trường ca biển” của Hữu Thỉnh; “Đêm yên tĩnh”, “Người lữ hành lặng lẽ” của Hữu Mai…
Phó Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Châu nhận định, trong cuốn biên niên sử bằng âm thanh ngót gần thế kỷ, đề tài người lính vô cùng phong phú về số lượng, thể loại và hình thức âm nhạc. Tượng đài chiến sỹ cách mạng được ghi dấu ấn từ: “Cùng nhau đi hồng binh” của Đinh Nhu; “Chiến sỹ Việt Nam” của Văn Cao; “Du kích ca” của Đỗ Nhuận; “Diệt phát xít” của Nguyễn Đình Thi; “Đoàn vệ quốc quân” của Phan Huỳnh Điểu; “Lên đàng” của Lưu Hữu Phước...
Ở mảng sân khấu, nhà viết kịch Lê Quý Hiền (Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam) cho biết, ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, năm 1946, sân khấu có vở diễn “Bắc Sơn” của Nguyễn Huy Tưởng, phản ánh hiện thực mới – hiện thực chiến tranh cách mạng. Sau đó, hàng loạt vở kịch về đề tài này như “Lòng dân” của Nguyễn Văn Xe; “Trở về” của Đoàn Phú Tứ-Lê Ngọc Cầu; “Ngày mai” của Học Phi; “Chiến đấu trong lòng địch”, “Du kích thôn Đồi” của Lộng Chương; “Khăn tang kháng chiến” của Đình Quang…
Bước vào thời kỳ chống Mỹ cứu nước, hàng loạt vở diễn về đề tài chiến tranh cách mạng, về người lính như “Đâu có giặc là ta cứ đi” của Ngô Y Linh, “Nổi gió” của Đào Hồng Cẩm, “Lửa hậu phương” của Kính Dân, “Anh Trỗi” của Lưu Trọng Lư, Đình Quang, Vũ Khiêu; “Tiền tuyến gọi” của Trần Quán Anh; “Đồng chí”. Thời kỳ đổi mới, những vở diễn xuất sắc như “Đại đội trưởng của tôi” của Đào Hồng Cẩm, “Lời thề thứ 9” của Lưu Quang Vũ… đã ghi dấu ấn trong lòng công chúng.
Lĩnh vực điện ảnh, những tác phẩm điện ảnh như “Con chim vành khuyên”, “Chị Tư Hậu”, “Kim Đồng”, “Lửa trung tuyến”, “Nguyễn Văn Trỗi”, “Vĩ tuyến 17-ngày và đêm”, “Cánh đồng hoang” đã để lại ấn tượng sâu sắc với công chúng về hình tượng người lính, về lực lượng vũ trang nhân dân…
Ngoài ra, ở các loại hình nghệ thuật khác như mỹ thuật, kiến trúc, nhiếp ảnh… cũng có nhiều tác phẩm nổi tiếng về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng. Có thể nói, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, các văn nghệ sỹ đã trở thành những chiến sỹ thực thụ trên tiền tuyến, luôn bám sát tình hình, kịp thời phản ánh, tường thuật các chiến công trên khắp các mặt trận. Nhờ đó đã có rất nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị được ra đời.
Có những văn nghệ sỹ cùng bộ đội xuất trận và hy sinh vì cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc như Trần Đăng, Nam Cao, Tô Ngọc Vân, Hoàng Lộc, Trần Mai Ninh, Thôi Hữu, Huỳnh Văn Nghệ, Nguyễn Trọng Định, Nguyễn Mỹ, Lê Anh Xuân, Dương Thị Xuân Quý …
Nguồn cảm hứng bất tận
Phó giáo sư, Tiến sỹ, Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam khẳng định: Suốt 80 năm qua, một mảng rất quan trọng, chiếm vị trí nổi bật, có giá trị tư tưởng, nghệ thuật to lớn, đó chính là những tác phẩm thuộc nhiều loại hình từ văn học, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, nhiếp ảnh, múa, mỹ thuật... viết về đề tài lực lượng vũ trang nhân dân, về bộ đội Cụ Hồ. Hình ảnh lực lượng vũ trang nhân dân, anh Bộ đội cụ Hồ, chính là "cánh đồng" đề tài rộng lớn, nguồn cảm hứng bất tận để văn nghệ sỹ sáng tạo, cho ra đời nhiều tác phẩm, công trình có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật, gắn liền với truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế cho rằng, hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc Việt Nam, chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cùng hai cuộc chiến tranh ở biên giới phía Bắc và Tây Nam của Tổ quốc đã trở thành đề tài, cảm hứng bất tận trong ý thức nghệ thuật của các văn nghệ sỹ.
Đã có một “dòng chảy” mãnh liệt của văn học nghệ thuật về đề tài lực lượng vũ trang nhân dân-chiến tranh cách mạng Việt Nam suốt 80 năm qua (1944-2024). Dù đất nước được sống trong không khí hòa bình, thống nhất, đổi mới và phát triển (từ 1975 đến nay), nhưng đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng vẫn luôn là dòng chảy mạnh mẽ, thôi thúc các thế hệ văn nghệ sỹ trong và ngoài quân đội say mê khám phá, sáng tạo.
Đồng quan điểm, nhà văn Đặng Thị Thúy, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật thành phố Hải Phòng cho rằng, sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang nhân dân luôn là đề tài chiếm vị trí quan trọng. Đề tài này luôn là thử thách nhưng đồng thời cũng là một cánh đồng không bao giờ bạc màu, càng lật xới càng màu mỡ, càng có sức hút mạnh mẽ, đầy cảm hứng và xúc động đối với tất cả người cầm bút và với độc giả, khán giả.
Những tác phẩm văn học nghệ thuật ở mảng đề tài này luôn khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, góp phần tuyên truyền sâu rộng những giá trị lịch sử quý báu của lực lượng vũ trang Việt Nam, tri ân những sự hy sinh, cống hiến của lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sỹ, đồng thời khơi dậy tinh thần yêu nước và trách nhiệm của công dân đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ bình yên cho nhân dân.
Theo nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thành phố Đà Nẵng, các tác phẩm văn học nghệ thuật đề tài cách mạng, lực lượng vũ trang là những tư liệu quý giá, giúp lưu giữ ký ức về cuộc chiến tranh giành độc lập, về sự hy sinh của các thế hệ đi trước. Đây là những câu chuyện sống động, đóng vai trò như một “tấm gương lịch sử” cho các thế hệ sau, giúp họ hiểu về giá trị của độc lập, tự do và ý nghĩa của hòa bình.
Nhiều văn nghệ sỹ cho rằng, đến nay, đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng vẫn luôn là dòng chảy mạnh mẽ, thôi thúc các thế hệ văn nghệ sỹ trong và ngoài quân đội say mê khám phá, sáng tạo, là “mảnh đất” màu mỡ, là khoảng trời nghệ thuật hấp dẫn đối với công chúng. Dòng văn học nghệ thuật về đề tài lực lượng vũ trang nhân dân và chiến tranh cách mạng vẫn luôn là dòng chảy quan trọng hàng đầu, có sức định hướng, lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống văn nghệ nước nhà./.
Theo (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/van-hoc-nghe-thuat-de-tai-luc-luong-vu-trang-da-tro-thanh-nguon-cam-hung-bat-tan-post1001854.vnp