Các bác sĩ Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội vừa mổ 'giải cứu' thành công trẻ sơ sinh bị 9 vòng dây rốn quấn chặt quanh cổ trong bụng mẹ. Dây rốn quấn cổ không phải là tình trạng hiếm gặp nhưng trường hợp nào là nguy hiểm và có cần phải mổ đẻ không là băn khoăn của nhiều bạn đọc.
1. "Giải cứu" em bé bị dây rốn quấn quanh cổ 9 vòng
ThS.BSCKII. Nguyễn Xuân Hải, Trưởng Khoa Phụ Nội tiết A1, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội.
Ngày 15/12, tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, sản phụ Đ.T.M.L, 29 tuổi, mang thai lần 2, nhập viện trong tình trạng chuyển dạ ở hơn 37 tuần. Khi tiến hành mổ lấy thai, các bác sĩ đã phát hiện em bé bị 9 vòng dây rốn quấn cổ. Nhận thấy tình huống có thể gây nguy hiểm cho em bé, các bác sĩ đã nhanh chóng tháo gỡ, cắt bỏ từng vòng dây rốn và "giải cứu" em bé thành công.
Theo ThS.BSCKII. Nguyễn Xuân Hải, Trưởng Khoa Phụ Nội tiết A1, người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật lấy thai cho biết: Dây rốn quấn cổ là tình trạng khá thường gặp. Dây rốn có thể quấn quanh cổ thai nhi một hoặc nhiều vòng, nhưng trường hợp dây rốn quấn cổ 9 vòng như trường hợp này là cực kỳ hiếm, lần đầu tiên xảy ra tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Dây rốn quấn cổ thai nhi nhiều vòng có thể gây rất nhiều nguy cơ cho thai nhi. Do đó các bác sĩ cần can thiệp nhanh chóng và chính xác để phòng ngừa rủi ro cho em bé.
2. Những nguy cơ đối với thai nhi bị dây rốn quấn cổ
Dây rốn là một bộ phận quan trọng, là sợi dây liên kết giữa thai nhi và nhau thai, có vai trò vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng từ mẹ truyền sang thai nhi trong suốt thai kỳ để đảm bảo cho em bé phát triển khỏe mạnh.
Hiện tượng dây rốn quấn cổ (theo cách gọi dân gian là tràng hoa quấn cổ) là tình trạng thai nhi bị dây rốn quấn quanh cổ. Hiện tượng này xảy ra thường do sự chuyển động quá mức của bé trong bụng mẹ ở những tháng đầu thai kỳ. Ngoài ra có một số yếu tố khác như dây rốn dài hơn bình thường, nhiều nước ối, đa thai... cũng có thể làm tăng nguy cơ thai nhi bị dây rốn quấn cổ.
BSCKII. Nguyễn Xuân Hải cho biết, đa số trường hợp dây rốn quấn cổ em bé trong bụng mẹ thường không gây biến chứng sau sinh. Tuy nhiên, tình trạng này có thể trở nên nguy hiểm khi: Dây rốn quấn cổ nhiều vòng gây cản trở quá trình sinh con qua ngả âm đạo; Giảm lưu lượng máu đến thai nhi, hạn chế sự tăng trưởng của thai nhi trong tử cung dẫn đến suy dinh dưỡng nặng, lưu lượng máu và oxy đến thai nhi bị cản trở kéo dài có thể dẫn đến mất tim thai bất kỳ lúc nào.
Nguồn cung cấp oxy cho thai nhi đến từ máu của người mẹ chảy qua dây rốn đến thai nhi. Nếu dây bị thắt nút hoặc bị nén, lưu lượng máu, chất dinh dưỡng và oxy đến thai nhi sẽ bị giảm. Mức độ nén chặt của dây rốn sẽ xác định mức độ nguy hiểm gây ra cho thai nhi. Một tình huống có thể xảy ra là dây rốn thắt nút và chặn hoàn toàn bất kỳ lưu lượng máu nào đến thai nhi, dẫn đến thiếu máu não, thậm chí tử vong ngay trong bụng mẹ.
Vì vậy, đối với những trường hợp này, trong quá trình chuyển dạ cần được các bác sĩ theo dõi chặt chẽ nhằm phát hiện sớm những bất thường để xử lý kịp thời.
Bé gái chào đời an toàn với 9 vòng dây rốn quấn cổ. Ảnh: BVCC
3. Thai nhi bị dây rốn quấn cổ có đẻ thường được không?
Mặc dù tình trạng dây rốn quấn cổ thai nhi khá phổ biến nhưng nhiều mẹ bầu khi nhận được thông tin này thường rất lo lắng. Một trong những vấn đề băn khoăn nhất của các bà mẹ là có sinh thường được không?
Theo BSCKII. Nguyễn Xuân Hải, trong trường hợp dây rốn quấn cổ ít, tùy dây rau ngắn hay dài, dây rốn quấn cổ 1-2 vòng là bình thường và có thể đẻ thường. Một số trường hợp dây rau dài, không có chèn ép, thai phụ được theo dõi chặt chẽ tại cơ sở y tế chuyên khoa thì có thể đẻ thường. Nếu có dấu hiệu chèn ép các bác sĩ có thể có chỉ định mổ đẻ.
Trong trường hợp của sản phụ Đ.T.M.L, dây rốn quấn cổ rất nhiều vòng gây rất nhiều nguy cơ cho thai nhi, gây chèn ép, thậm chí có thể mất tim thai bất kỳ lúc nào, do đó được các bác sĩ xử trí kịp thời là điều này rất may mắn cho cả 2 mẹ con.
BSCKII. Nguyễn Xuân Hải khuyến cáo, tình trạng thai nhi bị dây rốn quấn cổ có thể được phát hiện khi siêu âm thai, do đó phụ nữ mang thai cần thực hiện khám quản lý thai định kỳ tại cơ sở y tế chuyên khoa nhằm phát hiện sớm tình trạng dây rốn quấn cổ và các nguy cơ khác trong thai kỳ.
Việc theo dõi cử động của thai nhi và tim thai bằng máy monitor có thể phát hiện rất sớm trường hợp suy thai để đưa ra hướng xử trí kịp thời, giúp em bé sinh ra khỏe mạnh. Vì vậy, các mẹ bầu không nên quá lo lắng.
Theo suckhoedoisong.vn
https://suckhoedoisong.vn/thai-nhi-bi-day-ron-quan-co-co-de-thuong-duoc-khong-169241217205629991.htm