Với nhiều giá trị văn hóa truyền thống, việc gìn giữ và thúc đẩy đã và đang nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện từ các cấp trong đó tập trung vào truyền dạy kiến thức, cách tổ chức, trang phục…góp phần bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế. Trong đó, từ niềm đam mê nghệ thuật đã có nhiều kết quả khích lệ không chỉ đào tạo nhiều hạt nhân mới mà còn tích cực quảng bá nét đẹp văn hóa đến đông đảo du khách, địa phương khác.
Nghệ thuật hát Tuồng cổ đã gắn bó với người dân xã Hoàng Đan từ đầu những năm 1960. Với mục đích nhằm bảo tồn, phát huy hiệu quả bền vững giá trị văn hóa truyền thống, UBND huyện Tam Dương và xã Hoàng Đan tập trung vào việc tập luyện các nghi thức cáo tế, chồng kiệu tại giữa sân đình, rước thánh phần hội chạy cày, cấy, rước đuốc. Đồng thời, nâng cao kỹ năng hát, múa, biểu diễn, nhạc cụ, đặc biệt, đào tạo, nhân rộng lớp diễn viên, nhạc công kế cận để gìn giữ nghệ thuật Tuồng cổ ở địa phương.
Thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn, huyện Tam Dương tập trung việc phục dựng, tập huấn, trao đổi kiến thức để có góp phần thúc đẩy các giá trị văn hóa trong huyện được lưu giữa, truyền lại và quảng bá rộng rãi, tạo dựng tiềm năng du lịch.
Cùng với đó, các hình thức nghệ thuật truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số như Sán Dìu, Cao Lan ngày càng cụ thể hóa trong việc truyền dạy, bảo tồn qua giảng dạy chữ viết, tiếng nói, điệu múa, bài hát và trang phục. Song hành là nhiều chương trình giao lưu, trao đổi kinh nghiệm đan xen vào lễ hội gắn với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.
Đổi mới cách làm đi sâu vào xây dựng nội dung, kỹ năng thể hiện, việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa nghệ thuật truyền thống đã khơi dậy lòng tự hào và ý thức tham gia của người dân trong việc phát huy giá trị di sản văn hóa, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng phát triển.
Tiến Trang