Vào dịp đầu năm mới hay những ngày rằm, mùng một, tại nhiều cơ sở thờ tự tôn giáo, đình, chùa, miếu, đền, du khách thập phương thường du xuân để cầu tài, lộc và vãn cảnh. Và ít nhiều ai nấy đều thành tâm công đức. Vậy số tiền này sẽ được quản lý như thế nào để đảm bảo công khai, minh bạch, tạo niềm tin cho người dân khi thực hiện công đức.
Năm nào cũng vậy, cứ mỗi dịp đầu Xuân, du khách thập phương trong và ngoài tỉnh lại đến tham dự Lễ hội đền thờ Ngô Tướng Công ở phường Phúc Thắng, thành phố Phúc Yên để tưởng nhớ công đức của một danh thần nhà Hồ có công lao to lớn đánh đuổi giặc ngoại xâm, dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Trong không khí thiêng liêng giao hòa của đất trời, lòng người, ai nấy đều thành tâm dâng hương cầu nguyện cho quốc thái, dân an, gia đình hạnh phúc.
Trong những ngày diễn ra lễ hội, toàn bộ tiền công đức, tiền tài trợ cho di tích đều do tiểu ban gồm nhiều thành viên của Ban Quản lý Di tích đền thờ Ngô Tướng Công quản lý. Tại mỗi khu vực tiếp nhận công đức đều có nhân viên ghi chép cẩn thận, rõ ràng. Việc mở các hòm công đức cũng được thực hiện công khai trước sự giám sát của các thành viên, ban, ngành đoàn thể đại diện của địa phương. Số tiền kiểm đếm được sẽ chi phí đúng vào các sự kiện tổ chức lễ hội theo quy định, số còn lại sẽ được đưa vào tài khoản ngân hàng do UBND phường quản lý.
Trước đây, việc quản lý tiền công đức và tổ chức lễ hội ở một số nơi gặp nhiều khó khăn do các văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, chưa rõ ràng. Đến nay, sau gần 2 năm thực hiện Thông tư 04/2023 của Bộ Tài chính đã góp phần minh bạch hóa hoạt động quản lý, thu chi tài chính đối với tiền công đức từ các cơ sở thờ tự, tín ngưỡng tôn giáo ở các địa phương.
Nguyễn Toàn